Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, chưa thể kiểm soát được mức độ nguy hiểm khi cho các đồ vật vào miệng nên dễ bị hóc. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, tử vong do ngạt thở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tổn thương ở trẻ em dưới 4 tuổi.
Việc sơ cứu là rất quan trọng, tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ làm sai cách đã vô tình đẩy trẻ vào tình huống nguy hiểm, dễ tử vong.
Dấu hiệu trẻ bị hóc dị vật
Theo Webmd, việc nuốt phải dị vật cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng phổ biến nhất cho thấy trẻ bị hóc có thể bao gồm:
- Nghẹt thở hoặc nôn mửa ngay khi nuốt dị vật vào.
- Ho nhiều ban đầu.
- Thở khò khè (tiếng huýt sáo, thường phát ra khi trẻ thở ra).
Trẻ nhỏ bị hóc dị vật rất dễ tắc nghẽn đường thở, nguy cơ tử vong cao nếu không sơ cứu đúng cách. Ảnh: Theasianparent. |
Mặc dù các triệu chứng ban đầu được liệt kê ở trên có thể giảm dần, dị vật vẫn có thể gây tắc nghẽn đường thở. Các triệu chứng có thể cho thấy dị vật vẫn đang gây tắc nghẽn đường thở, bao gồm: Thở với âm thanh the thé; cơn ho tồi tệ hơn; trẻ không nói được; đau ở vùng cổ họng hoặc ngực; giọng nói khàn; môi tái xanh; không thở được; bất tỉnh.
Sai lầm khi sơ cứu
Dưới đây là một số sai lầm mà cha mẹ cần bỏ ngay khi con bị hóc dị vật, để không có những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Dùng tay móc họng: Thông thường, khi thấy con trẻ bị hóc, phản xạ đầu tiên của cha mẹ là dùng tay lấy dị vật ra khỏi họng trẻ càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, điều này có thể gây nôn, thậm chí đẩy dị vật vào sâu hơn. Bên cạnh đó, dùng tay hoặc vật cứng không đảm bảo vệ sinh để chọc, ngoáy họng có thể gây trầy xước họng và các biến chứng như viêm, mủ.
Vuốt xuôi: Sai lầm khác là cha mẹ dùng tay vuốt xuôi ngực hoặc lưng trẻ. Điều này khiến thức ăn, dị vật chui sâu hơn vào phổi, chặn đường thở, đẩy bé vào tình trạng nguy hiểm.
Cách sơ cứu đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật:
- Với trẻ nhỏ dưới một tuổi, bạn cần đặt trẻ nằm sấp, đầu đặt trên một cánh tay của bạn. Dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng trẻ 5 lần mạnh và nhanh ở vùng giữa 2 xương bả vai, sau đó lật ngửa trẻ lại.
Nếu bé còn khó thở, dùng 2 ngón tay ấn mạnh liên tiếp 5 lần vào vùng thượng vị (vị trí trên rốn và dưới xương ức).
- Với trẻ trên một tuổi, trước tiên hãy yêu cầu bé ho mạnh. Nếu ho không hiệu quả, bạn cần quỳ sau lưng trẻ, vòng tay ôm lấy eo của bé, ấn mạnh vào bụng 5 lần hoặc đặt bé vắt qua đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng ở phía trên ngực. Lặp lại các bước cho đến khi dị vật bị đẩy ra ngoài hoặc xe cấp cứu tới.
Trẻ dưới một tuổi thường bị hóc dị vật do thích đưa mọi thứ vào miệng. Ảnh: Queenslandhealth. |
Cách ngăn ngừa trẻ bị hóc dị vật
Theo Kid's Health, tất cả trẻ em đều có nguy cơ bị nghẹt thở, nhưng trẻ dưới 3 tuổi đặc biệt có nguy cơ cao hơn. Trẻ nhỏ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng, đường thở nhỏ hơn dễ bị tắc nghẽn và chưa có nhiều kinh nghiệm nhai, vì vậy, chúng có thể nuốt toàn bộ đồ vật.
Để ngăn ngừa, cha mẹ nên tránh cho trẻ ăn thực phẩm gây nghẹt thở như xúc xích, nho, cà rốt sống, các loại hạt, nho khô, kẹo, miếng thịt, bỏng ngô...
Vào mỗi bữa ăn, cha mẹ có thể cho trẻ ăn từng miếng nhỏ. Điều đó có nghĩa là cắt cả quả nho thành các phần tư, cắt xúc xích theo chiều dọc và thành từng miếng (loại bỏ phần vỏ cứng). Ngoài ra, trẻ nên được ăn các loại rau củ đã nấu chín. Người lớn cũng cần rèn trẻ luôn ngồi một chỗ trong các bữa ăn, không nói hoặc cười khi đang nhai, không đùa nghịch.
Ngoài ra, đồ chơi và đồ gia dụng cũng có thể gây nguy cơ nghẹt thở. Bạn cần cẩn thận với quả bóng bay, đồng xu, hạt cườm, các bộ phận đồ chơi nhỏ và pin. Với trẻ đang tập bò và đi, cha mẹ phải thường xuyên kiểm tra đồ vật trên sàn nhà vì con có thể cho vào miệng và mắc nghẹn.