Hải quân TQ 'thêm nanh vuốt' với 24 tiêm kích J-16
Theo Want China Times, Không quân Hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 24 chiến đấu cơ J-16.
Dựa trên những hình ảnh xuất hiện không chính thức trên các trang mạng quân sự Trung Quốc, các chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá rằng, lực lượng Không quân Hải quân Trung Quốc đã nhận được 24 máy bay chiến đấu đa năng J-16 từ tổng công ty máy bay Thẩm Dương.
Trang Chiến lược (Strategy Page) của Mỹ, dựa trên những nhận định từ thông tin đăng tải từ các trang tin quân sự Trung Quốc nói rằng, trong năm 1999, Nga và Trung Quốc đã làm v iệc cùng nhau để nâng cấp biến thể máy bay chiến đấu 2 người ngồi Su-30MKK lên thành Su-30MK2. Cùng thời điểm đó, quân đội Trung Quốc bắt đầu nhận được gần 100 chiếc Su-30MK2 trực tiếp từ Nga để trang bị cho không quân và hải quân của họ.
Su-30MK2 là một tiêm kích đa năng, có trọng lượng 34 tấn, có vai trò tương tự như loại máy bay tấn công F-15E Strike Eagle trong Không quân Mỹ. Hiện nay, Không quân Hải quân Trung Quốc đang hoạt động 24 chiếc Su-30MK2. Với khả năng tiếp nhiên liệu trên không, máy bay có thể được sử dụng trong các trường hợp xảy ra tranh chấp trên Biển Đông.
Một hình ảnh mới nhất về tiêm kích J-16, bản sao chép từ chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2 của Nga |
Sử dụng Su-30MK2 là một kế hoạch đã được tính toán từ đầu của Trung Quốc, dựa trên thiết kế của loại máy bay này, Trung Quốc sẽ sản xuất ra phiên bản “nhái” cho riêng họ và đặt tên là J-16.
Theo Strategy Page, J-16 là một trong nhiều ví dụ về truyền thống “ăn cắp” công nghệ quân sự Nga của Trung Quốc. Tiêm kích đánh chặn hạng nặng Su-27 của Nga cũng đã bị Trung Quốc sao chép thành máy bay J-11 cho họ.
Trước đó, thông tin đầu tiên về “bản sao” Su-20MK2 của Nga được Trung Quốc thực hiện thành công, đã được táp chí quân sự châu Á Kanwa Defense Review của Hongkong tiết lộ hồi tháng 11/2011.
Khi đó, Kanwa nói rằng, Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN) rất hài lòng với tính năng chiến đấu của máy bay Su-30MK2. "Quân đội đã yêu cầu nhà máy sản xuất máy bay ở Thẩm Dương sao chép lại Su-30MK2 và yêu cầu tăng cường khả năng chống hạm của máy bay này bằng các tên lửa do Trung Quốc sản xuất. Phần khung của J-16 về cơ bản kế thừa mẫu J-11BS".
Trung Quốc sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt J-16 để tăng cường khả năng chiến đấu cho Không quân Hải quân của họ. |
Kanwa tiết lộ, lô đầu tiên gồm 24 chiến đấu cơ J-16 đã được sản xuất xong từ năm 2011. Kể từ năm 2010, Hải quân Trung Quốc bắt đầu nhận được lô máy bay đầu tiên của máy bay chiến đấu đa năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết J-10A, do đó, trình độ công nghệ tổng thể của Hải quân Trung Quốc được tăng lên đáng kể.
Ít lâu sau, tháng 1/2012, Kanwa tiếp tục tiết lộ một hình ảnh đầu tiên của một máy bay J-16 được sơn màu truyền thống của Hải quân Trung Quốc. Chiếc máy bay bị chụp hình khi xuất hiện trong sân bay của nhà máy sản xuất máy bay Thẩm Dương. Ban đầu, các phương tiện truyền thông phương Tây và Khánh Hòa cho rằng đó là máy bay J-11BS của Hải quân Trung Quốc.
Khác với các biến thể trên biển của máy bay JH-7, thân máy bay J-16 rộng hơn. Ngoài khả năng mang tên lửa hành trình chống tàu YJ8-3, J-16 còn có thể mang tên lửa hành trình chống tàu loại lớn hơn là YJ-62.
YJ-83 là loại tên lửa hành trình chống tàu siêu âm, đạt tốc độ cực đại Mach 2, tầm bắn xa từ 120 - 255 km (có nguồn tin nói > 255 km với biến thể phóng trên không), trang bị đầu đạn thông thường nặng 165 kg. Tên lửa được dẫn đường bằng đầu dò radar và hồng ngoại. YJ-83 khi bay tới gần mục tiêu, tên lửa có thể hạ độ cao xuống 5 m so với mặt biển để vượt qua các hệ thống phòng thủ của đối phương.
Trong khi đó, YJ-62 cũng là một tên lửa chống tàu, nhưng có tầm bắn xa hơn, tới 400 km hoặc hơn. Tên lửa trang bị đầu đạn uy lực, nặng tới 300 kg. Tuy nhiên, điểm yếu của nó là chỉ đạt tốc độ bay cận âm (Mach 0.9). Do vậy, YJ-62 chỉ có khả năng tác chiến xa hơn nhưng hiệu quả không được đánh giá cao.
Theo tạp chí Kanwa, trong vài năm tới, nhà máy Thẩm Dương sẽ nhận được tất cả các đơn đặt hàng để sản xuất các máy bay với số lượng lớn, bao gồm cả J-15, J-16, J-11BS và J-11B.
Thu phương
Theo Infonet