Hải quân Singapore 'nhỏ mà có võ'
Hải quân Singapore là lực lượng nhỏ trong khu vực nhưng lại được đánh giá rất cao về trang bị phương tiện hiện đại.
Singapore là quốc gia nhỏ nhất của Đông Nam Á nhưng có nền kinh tế hàng đầu trong khu vực. Nước này được xưng tụng là “một trong 4 con rồng nhỏ châu Á”. Nhờ kinh tế mạnh mẽ, nên nguồn đầu tư quốc phòng Singapore khá dồi dào.
Quân số thường trực Singapore không đông nhưng trang bị vũ khí trên cả 3 mặt Hải – Lục – Không quân đứng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về sự hiện đại, mới mẻ.
Hải quân Singapore biên chế 9.000 lính và vẻn vẹn 37 tàu các loại (tàu chiến, tàu tuần tra, tàu ngầm, tàu đổ bổ).
Tàu chiến hiện đại nhất Đông Nam Á
Nhằm hiện đại hóa đơn vị tàu chiến chủ lực, năm 2000, Singapore ký hợp đồng với hãng DCNS (Pháp) thiết kế và đóng mới 6 tàu chiến thay thế tàu tên lửa lớp Sea Wolf gần 40 năm tuổi.
Năm 2007, Hải quân Singapore đưa vào biên chế khinh hạm tàng hình đa năng lớp Formidable. Chiếc tàu được xếp vào loại hiện đại nhất Đông Nam Á.
Lớp Formidable có lượng giãn nước 3.200 tấn, dài 114,8m. Tàu được vận hành chỉ với 70 thủy thủ, chứng tỏ tính tự động hóa cực cao. Trong khi một số loại tàu ở khu vực như Lekiu (Malaysia) cần tới 146 người hay Gepard 3.9 (Việt Nam) cần hơn 100 người.
Khinh hạm tàng hình Formidable. |
Khác với các khinh hạm ở Đông Nam Á “được cái này mất cái kia”, Formidable là tàu chiến “công thủ toàn diện” với hệ thống vũ khí mạnh trên cả 3 mặt.
Cụ thể, tàu trang bị hệ các hệ thống vũ khí: tổ hợp tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon (tầm bắn 124 km), hệ thống tên lửa đối không tầm trung - xa Aster 15/30 (tầm bắn 30-120 km); 2 cụm máy phóng ngư lôi chống ngầm EuroTop A244/S Mod 3 (tầm bắn 13,5 km, xuyên sâu xuống mặt nước 600 m) cùng hệ thống pháo tầm gần. Tàu cũng thiết kế sân đáp và nhà chứa dành cho một trực thăng săn ngầm S-70B Sea Hawk.
Ngoài Formidable, trong Hải quân Singapore còn có 6 tàu hộ tống lớp Victory có sức mạnh tương đương khinh hạm. Lớp Victory tuy chỉ có lượng giãn nước 600 tấn, dài 62 m nhưng sức mạnh của nó tương đương với khinh hạm. Tàu được trang bị tổ hợp tên lửa RGM-84 Harpoon, tên lửa đối không tầm ngắn Barak 1, ngư lôi chống ngầm A244-S Mod 3.
Tàu hộ tống Victory phóng tên lửa đối không Barak trong cuộc tập trận. |
Đội tàu tuần tra duy trì 12 tàu lớp Fearless do nước này tự thiết kế và đóng mới. Tàu có lượng giãn nước 500 tấn, dài 55m. Dù thuộc lớp tàu tuần tra, bảo vệ lãnh hải nhưng Fearless có khả năng chống ngầm với ngư lôi A244-S Mod 3.
Không rõ Hải quân Singapore có tổ chức lực lượng lính thủy đánh bộ. Tuy nhiên, trong biên chế họ duy trì 4 tàu vận tải đổ bộ đa năng cỡ lớn lớp Endurance. Lớp tàu này có lượng giãn nước tới 8.500 tấn, dài 141 m. Endurance có thể chở 4 tàu đổ bộ dài 13 m hoặc 2 tàu đổ bộ dài 25 m; 18 xe tăng, 20 xe bọc thép và 350 - 500 lính. Đây là một trong những loại tàu đổ bộ lớn nhất Đông Nam Á.
Đáng lưu ý, Hải quân Singapore là nước duy nhất trong Đông Nam Á và thuộc số ít trên thế giới biên chế tàu không người lái. Họ đã đưa vào hoạt động 2 tàu tuần tra cao tốc không người lái Protector dài 9 m, trang bị tháp pháo tự động 12,7 mm.
Hạm đội tàu ngầm đông nhất
Tại khu vực, Singapore, Indonesia, Việt Nam và Malaysia là những nước có tàu ngầm đầu tiên; nhưng Singapore mới là quốc gia sở hữu hạm đội tàu ngầm đông nhất tính tới thời điểm này.
Năm 1995, Singapore ký hợp đồng mua lại 4 tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện – diesel lớp Sjoormen của Hải quân Thụy Điển. Sau khi được tân trang, sửa chữa, chúng lần lượt được chuyển giao vào giai đoạn 1999 - 2002. Sjoormen có lượng giãn nước 1.200 tấn (khi lặn), thủy thủ đoàn 28 người. Tàu trang bị 4 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm và 2 máy phóng 400mm.
Tàu ngầm lớp Vastergotland được đại tu sửa chữa. |
10 năm sau, Singapore mua thêm 2 tàu ngầm lớp Vastergotland của Thụy Điển. Tàu có lượng giãn nước 1.150 tấn, dài 48,5 m, cần 28 thủy thủ vận hành. Nó trang bị 6 máy phóng ngư lôi 533 mm và 3 máy phóng cỡ 400 mm.
Lớp Vastergotland trang bị hệ thống chạy khí độc lập AIP tiên tiên cho phép tàu lặn trong thời gian dài. Tiếng ồn khi vận hành động cơ rất thấp nên tăng khả năng tàng hình con tàu trước thiết bị thủy âm học.
Tàu trang bị hệ thống định vị thủy âm cho phép phát hiện đối phương từ khoảng cách xe, hệ thống vũ khí ngư lôi có độ chính xác cao.
Hải quân Singapore cũng chú trọng đến việc mua sắm thêm các tàu hỗ trợ hoạt động tàu ngầm. Năm 2008, họ đưa vào sử dụng tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue. Trên chiếc tàu dài 85 m này chở theo một tàu cứu hộ lặn sâu.
Làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự
Không chỉ dựa vào túi tiền rủng rỉnh, Singapore cũng biết cách dựa vào nước ngoài để phát triển công nghiệp quốc phòng quốc gia. Cụ thể, trong tất cả hợp đồng, họ thường kèm theo điều khoản yêu cầu chuyển giao công nghệ chế tạo.
Ví dụ điển hình cho cách làm này, năm 1983, Singapore đặt đóng mới 6 tàu hộ tống lớp Victory từ Đức. Họ yêu cầu kèm theo việc chuyển giao công nghệ. Theo đó, chỉ một chiếc được đóng tại Đức, 5 chiếc còn lại được đóng tại Singapore.
Tàu vận tải đổ bộ Endurance - đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của công nghiệp đóng tàu quân sự Singapore. |
Với trường hợp khinh hạm tàng hình Formidable cũng vậy, DCNS Pháp chỉ đóng một chiếc, phần còn lại do hãng Singapore Technology Marine thực hiện.
Đúc kết kinh nghiệm từ việc đóng theo hợp đồng chuyển giao công nghệ với sự tư vấn từ chuyên gia nước ngoài. Singapore tiến đần tới làm chủ công nghệ để tự thiết kế, chế tạo. Và họ đạt được một số thành công. Những thành quả đầu tiên chính là việc thiết kế chế tạo thành công 12 tàu tuần tra cao tốc lớp Fearless.
Đặc biệt nhất Singapore tự thiết kế đóng mới 4 tàu vận tải đổ bộ lớp Endurance có lượng giãn nước tới 8.500 tấn. Đây là thành tựu đánh dấu bước tiến vượt bậc của công nghiệp đóng tàu quân sự Singapore.
Hồng Hà
Theo Infonet.vn