Hải quân Philippines mạnh cỡ nào?
Hải quân Philippines là một trong 3 nhánh chính thuộc lực lượng vũ trang, chịu trách nhiệm bảo vệ các vùng biển của đất nước có tới 7.107 hòn đảo.
Hải quân Philippines được tổ chức với quân số đông đảo gồm 24.000 lính thường trực (trong đó có 10.000 lính thủy đánh bộ), 110 tàu các loại. Hầu hết các tàu chiến, tàu tuần tra, tàu đổ bộ, tàu vận tải đều có xuất xứ từ Mỹ.
Tàu chiến “đông nhưng không mạnh”
Trong Đông Nam Á, năng lực tác chiến của Hải quân Philippines khá yếu kém, dù nước này được trang bị một số lượng lớn tàu chiến đấu.
Biên chế Hải quân Philippines có 2 tàu tuần tra lớp Hamilton (BRP Gregorio del Pilar và BRP Ramon Alcaraz) mua lại từ lực lượng tuần duyên bờ biển Mỹ năm 2011và 2012. Đây được xem là những tàu chiến lớn nhất của Philippines với lượng giãn nước tới 3.250 tấn.
Nhưng các tàu lớp Hamilton được vũ trang khá yếu, chỉ thích hợp cho nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển, hơn là tàu chiến thực thụ.
Tàu chiến lớn nhất Hải quân Philippines BRP Gregorio del Pilar. |
Philippines còn duy trì hoạt động của một tàu pháo lớp Canon mang tên BRP Rajah Humabon mua lại từ Mỹ năm 1978.
Trước khi Hamilton xuất hiện thì Rajah Humabon là tàu chiến lớn nhất của Hải quân Philippines, lượng giãn nước 1.620 tấn. Ngoài ra, nó còn giữ kỷ lục tàu già nhất khu vực Đông Nam Á với tuổi đời gần 70 năm.
Hỏa lực của Rajah Humabon so với Hamilton mạnh hơn với 3 tháp pháo 76mm, 3 pháo phòng không 40mm, 6 pháo phòng không 20mm và 4 súng máy hạng nặng 12,7mm. Với hệ thống vũ khí này, Rajah Humabon được xem như là một chiến hạm thực thụ nhưng khả năng tác chiến cực kỳ hạn chế, chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm 20km.
Ngoài Hamilton và Canon, Hải quân Philippines còn biên chế 11 tàu hộ tống (lưỡng giãn nước 900-1.000 tấn) và 41 tàu tuần tra cao tốc (lượng giãn nước trên dưới 300 tấn) làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ bờ biển. Các tàu này vũ trang nhẹ với pháo hạm và súng máy phòng không.
Tàu vận tải đổ bộ lớp Bacolod có lượng giãn nước hơn 4.000 tấn. |
Về tàu vận tải đổ bộ, Philippines duy trì 11 chiếc, trong đó có 6 tàu đổ bộ loại lớn, lượng giãn nước 4.000-5.000 tấn.
Nhìn chung, Hải quân Philippines tuy có lực lượng tàu chiến đông nhưng không mạnh, trang bị yếu kém, lạc hậu quá xa so với các nước trong khu vực.
Không quân Hải quân
Hải quân Philippines tổ chức đơn vị không quân nhỏ làm nhiệm vụ tuần tra biển, tìm kiếm cứu nạn.
Không quân Hải quân biên chế 3 phi đội với: 8 máy bay tuần tra biển BN-2A Islander; 3 trực thăng tuần tra Bo 105 và 4 máy bay T-41D cùng một trực thăng R-22 để huấn luyện.
Máy bay tuần thám biển BN-2A và trực thăng Bo-105 của Không quân Hải quân Philippines. |
Lính thủy đánh bộ
Lính thủy đánh bộ là bộ phận của Hải quân Philippines chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động tác chiến đổ bộ đường biển.
Lực lượng này gồm: 3 lữ đoàn cơ động, một lữ đoàn hậu cần, một lữ đoàn dự bị, một tiểu đoàn thiết giáp, một tiểu đoàn pháo và các đơn vị độc lập khác.
Lính thủy đánh bộ Philippines trong một cuộc diễn tập. |
Trong đó:
- Mỗi lữ đoàn cơ động biên chế 4 tiểu đoàn lính thủy. Một tiểu đoàn gồm 3 đại đội lính chiến đấu và một đại đội chỉ huy. Vũ khí cá nhân cho binh lính thường là súng trường tiến công M16A1, TAR-21, trung liên M-60, FN Minimi, súng chống tăng M67 90mm.
- Tiểu đoàn thiết giáp xung kích tổ chức với đại đội chỉ huy, đại đội kỹ thuật, đại đội xe lội nước LVTP-5/6 và đại đội thiết giáp LAV-150/300.
- Tiểu đoàn pháo binh trang bị pháo M101A1 cỡ 105mm, pháo Oto Melara Mod 56 cỡ 105mm, pháo phòng không 40mm.
- Tiểu đoàn trinh sát gồm một đại đội chỉ huy và 4 đại đội lính.
- Đơn vị trinh sát bắn tỉa thuộc lính thủy đánh bộ, trang bị súng trường bắn tỉa do Philippines sản xuất dựa trên loại M16A1 của Mỹ có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 800m.
Hồng Hà
Theo Infonet.vn