Hải quân Mỹ 'mù' trước tàu ngầm 'tàng hình' của Nga
Một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga hoạt động bí mật trong nhiều tuần tại Vịnh Mexico, vùng biển chiến lược của Mỹ mà giới chức quân sự nước này không mảy may hay biết.
Theo tờ Washington Free Beacon, Hải quân Mỹ chỉ nhận biết được sự hiện diện của tàu ngầm này trong vùng biển của họ sau khi nó rời khỏi khu vực. Ngoài ra, các báo cáo của Hải quân Mỹ cũng tiết lộ, đây là loại tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula, một trong những tàu ngầm chạy êm nhất của Nga.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula của Nga. |
Chưa hết, sự kiện tàu ngầm tấn công Nga bí mật xâm nhập vào vùng biển của Mỹ lại diễn ra cùng thời điểm các máy bay ném bom chiến lược nước này đột nhập vào vùng không phận bị hạn chế của Mỹ, gần lãnh thổ Alaska và California hồi tháng 6 và tháng 7/2012.
Giới chức hải quân Mỹ giải thích những thiếu sót trong năng lực tác chiến chống ngầm của Mỹ là hậu quả của việc chính quyền Obama quyết định cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống còn 487 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
“Rõ ràng, việc Akula không bị phát hiện ở vùng Vịnh là rất đáng lo ngại. Akula được tạo ra chỉ với một mục đích duy nhất: tiêu diệt các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ”, các quan chức Mỹ nhấn mạnh.
“Đó là tàu ngầm siêu tàng hình vì thế nó có thể lén lút lượn lờ quanh vùng biển chiến lược của Mỹ mà không bị phát hiện”, một quan chức khác của Mỹ cho hay.
Trong khi đó, Norman Polmar, một chuyên gia chiến tranh tàu ngầm bình luận: "Thông qua việc đưa một chiếc tàu ngầm hạt nhân vào khu vực Vịnh Mexico – Caribbe, Tổng thống Putin muốn khẳng định: Nga vẫn là cường quốc quân sự - chính trị hàng đầu thế giới. Cùng với việc triển khai các lực lượng đặc nhiệm do các tàu tuần dương hạt nhân dẫn đầu, Hải quân Nga thực thi nhiệm vụ “hiện thị quốc kỳ” nước này tại khu vực Caribbe. Đây là điều mà không quân Nga cũng như các lực lượng mặt đất không thể làm được".
Đây là lần thứ 2 một tàu ngầm tấn công của Nga xâm nhập bờ biển Mỹ. Trước đó, năm 2009, 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Akula bị phát hiện lượn lờ gần bờ biển phía Đông của Mỹ. Ngoài ra, cũng trong năm 2009, Nga cử một tàu ngầm Akula tới Ấn Độ. Tờ New York Times trích dẫn báo cáo về hoạt động của tàu ngầm Akula trong năm 2009 nhấn mạnh những động thái này dấy lên mối lo ngại về chính sách quân sự quyết đoán của Nga.
Phương Đăng
Theo Infonet.vn