Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai quan điểm trái ngược của Bộ trưởng Công Thương

Dù nhấn mạnh tính cạnh tranh của ngành dệt may trong hội nhập, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại yêu cầu ngân hàng, tổng công ty Nhà nước hỗ trợ các đơn vị của ngành làm ăn thua lỗ.

Mở đầu buổi chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dành gần 30 phút để trả lời bốn câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề có liên quan đến hoạt động điều hành.

Theo đó, hai nội dung chính được vị tư lệnh ngành tập trung trả lời là cơ hội, thách thức của ngành dệt may Việt Nam khi tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời, Bộ trưởng cũng trả lời câu hỏi về tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư tại 2 dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và Nhà máy Polyester Đình Vũ, Hải Phòng.

Bộ trưởng Công Thương:
Bộ trưởng Công Thương: "Nếu nhập khẩu mãi thì Việt Nam chỉ ở trong tình trạng gia công, lấy công làm lãi". Ảnh: Thắng Nguyễn.

Đề cao tính cạnh tranh khi gia nhập TPP

Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia ASEAN từ 1995 và đến nay tiến trình hội nhập giúp cho cả công, nông nghiệp tăng trưởng tốt; khả năng ứng phó của nền kinh tế bước đầu chấp nhận được. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh hội nhập càng lớn và Chính phủ, các bộ ngành, cũng như doanh nghiệp cần có những giải pháp hiệu quả hơn. Trong hội nhập, chúng ta phải chấp nhận có những sản phẩm, ngành hàng không có khả năng cạnh tranh, hoặc cạnh tranh yếu hơn thì phải chịu thiệt thòi.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải

Phương Loan (ghi)

Với các vấn đề liên quan đến ngành dệt may khi Việt Nam gia nhập TPP, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh tính cạnh tranh trong điều kiện hội nhập mới. Theo đó, trong quá trình đàm phán, Bộ Công ​Thương đã bám sát mục tiêu, yêu cầu các đối tác dành cho Việt Nam các lợi ích cốt lõi là mở cửa thị trường cho hàng hóa có lợi thế của nước ta, nhất là dệt may. Nhìn chung, theo thông tin từ Bộ trưởng Công Thương, với các hiệp định đã và sắp kết thúc đàm phán, về cơ bản các yêu cầu này đều đạt được.

"Riêng với TPP, nhất là Hoa Kỳ, ban đầu băn khoăn về việc dành cho Việt Nam ưu đãi về dệt may do có liên quan đến vấn đề xuất xứ. Theo đó, các đối tác này chấp nhận sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam thì sẽ được hưởng ưu đãi, ngoài ra thì không được. Tuy nhiên, do chúng ta kiên trì đàm phán, họ cũng đã chấp nhận một số công thức trong áp dụng ưu đãi", Bộ trưởng Hoàng cho hay.

Cụ thể, 184/186 chủng loại hàng dệt may của Việt Nam xuất sang các đối tác sẽ không phải chịu nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi. "Tuy nhiên, số này chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, tức là 85% còn lại chúng ta phải thực hiện theo đúng nguyên tắc".

Hiện Việt Nam có thể chủ động được 85% lượng vải dệt kim, 30% vải dệt thoi (vải thường). Riêng với sợi, Việt Nam đã sản xuất đủ, thậm chí năm 2014 đã xuất khẩu 2 tỷ USD.

Tính chung trong toàn ngành, tỷ lệ nội địa hóa đã tăng từ 20% lên 50% trong vòng 10 năm.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình đàm phán, Bộ đã tranh thủ tham vấn ý kiến của Hiệp hội Dệt may và VCCI. "Những tham vấn cho thấy đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu. Nếu cứ nhập khẩu mãi thì Việt Nam sẽ chỉ ở tình trạng gia công, lấy công làm lãi... 

Thực tế, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong suốt 5 năm qua, các doanh nghiệp cũng đã tự vận động, thu hút đầu tư. Trong giai đoạn 2013-2014, ngành dệt may đã thu được 3 tỷ USD đầu tư trong và ngoài nước. Đến năm 2018, khi TPP dự kiến chính thức có hiệu lực, tỷ trọng hàng dệt măy xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam sẽ chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch.

Yêu cầu bảo hộ sản phẩm của nhà máy 8.100 tỷ

Trái ngược với quan điểm chấp nhận cạnh tranh trong vấn đề dệt may, khi chuyển hướng sang câu hỏi về thực trạng của các nhà máy đang gây thất thoát vốn do hoạt động kém hiệu quả, xây dựng cầm chừng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại nhấn mạnh việc thu xếp đơn vị tiêu thu hộ, cho vay tiền để cứu chủ đầu tư.

Trong phiên họp Quốc hội sáng nay, gửi chất vấn đến Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, thuộc đoàn TP HCM đặt câu hỏi về giải pháp cho những lãng phí trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Polyester Đĩnh Vũ và các nhà máy khác. Ông Nghĩa cho rằng những lãng phí trong việc xây dựng và triển khai các nhà máy này đã làm thất thoát hơn 1 tỷ USD.

"Mà chúng ta lại đang cố gắng tìm cách vay 3 tỷ USD trong khi luật chưa cho phép. Chỉ một Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, mỗi tháng chúng ta đã mất thêm 20-30 tỷ đồng tiền lãi. Cái này nếu không có giải pháp quyết liệt và đột phá, thì chẳng những nó chôn ở đó mà còn tiếp tục mất", ông Nghĩa nhận xét.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Công Thương về Nhà máy Gang thép Thái Nguyên 8.100 tỷ đồng bỏ không. Ảnh: Hoàng Hà.

Trả lời ý kiến của đại biểu Nghĩa, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, đến cuối năm 2014, dự án Đình Vũ mới vận hành được 50%, nhưng lỗ cuối năm lên tới 1.000 tỷ đồng, dù phần đóng góp cho ngân sách chỉ 212 tỷ đồng.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Dệt may mua sợi giá đắt Tập đoàn Dệt may sẽ mua 50% sản phẩm của Sợi Đình Vũ để hỗ trợ đơn vị này vượt khó.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Công Thương, là định mức chi phí vận hành tăng hơn so với tính toán khả thi. Trong khi đó, công nghệ của nhà máy quá cao, vượt qua năng lực vận hành của nhân viên, dẫn đến chất lượng sản phẩm có lúc chưa đạt được yêu cầu. Hơn nữa, giá sợi nhân tạo trên thế giới lại đang giảm, thấp hơn giá thành sản xuất, nên sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh được. 

"Bộ cũng tổ chức cuộc họp giữa Tập đoàn Dệt may và Tập đoàn Dầu khí, yêu cầu dệt may tiêu thụ một phần sản phẩm cho nhà máy Đình Vũ, vì vốn dĩ ngành dệt may đang phải nhập khẩu loại sợi này. Mặc dù giá trong nước cao hơn thế giới, nhưng sẽ cố gắng tiêu thụ khoảng 50% sản phẩm của nhà máy", tư lệnh ngành Công Thương cho hay.

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, nhà máy sẽ cố gắng giảm lỗ trong năm 2015 còn 600 tỷ đồng, và đến năm 2016 có thể cơ bản cân đối được thu chi.

Tập đoàn Dệt may phải mua sợi giá đắt để cứu Nhà máy sợi Đình Vũ.  Minh họa: Tuấn Dũng.
Tập đoàn Dệt may phải mua sợi giá đắt để cứu Nhà máy sợi Đình Vũ. Minh họa: Tuấn Dũng.

Về dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, kể từ năm triển khai 2007 đến nay, phần thiết kế đã hoàn thành 88,4%, mua thiết bị đạt gần 94%, riêng các hạng mục xây dựng do Việt Nam đảm nhiệm đã giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Hoàng giải thích, dự án trên chậm trễ là do chi phí nguyên vật liệu tăng cao (tăng hơn 281% từ năm 2007 đến 2011), tỷ giá ngoại tệ biến động, chính sách thuế, tiền lương... thay đổi khiến chi phí đầu tư đội lên nhanh chóng. 

Trong cuộc họp bàn giải pháp mới đây của Bộ Công Thương và chủ đầu tư, biện pháp mà các bên đã thống nhất là rà soát khoản còn thiếu trong vốn đầu tư. Đồng thời, Bộ giao Tổng công ty Gang thép trao đổi với các ngân hàng, như Vietinbank, hay SCIC để thu xếp cho chủ đầu tư vay một số khoản vốn còn thiếu, đồng thời đàm phán lại với đối tác Trung Quốc.  

Trên thực tế, khi đầu tư mở rộng giai đoạn hai Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam) gặp sự cố lớn với nhà thầu Trung Quốc.

Tháng 7/2007, theo dự toán ban đầu, tổng vốn đầu tư cho dự án là 3.843 tỷ đồng. Đến tháng 8/2008, theo đề xuất tăng tổng mức đầu tư của nhà thầu Trung Quốc, quy mô dự án là 8.104 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cho đến nay, khi đã giải ngân hơn 4.500 tỷ đồng, dự án mở rộng nhà máy vẫn là một đống sắt nằm im. Nhà thầu Trung Quốc đã rút về nước sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án.

 

Hạ Minh - Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm