Chiều 25/11, ê-kíp đứng sau hai đêm diễn của Thomas Anders tại Hà Nội tổ chức buổi họp báo với giới truyền thông thủ đô. Trong không khí cởi mở, một nửa của nhóm Modern Talking thoải mái chia sẻ về những gì mình sẽ đem đến cho khán giả, cũng như mối quan hệ đổ vỡ với Dieter Bohlen.
Hồi tưởng về thời điểm thành lập nhóm Modern Talking, nam ca sĩ 53 tuổi người Đức khẳng định: “Ban nhạc vốn là sản phẩm của công ty thu âm, chứ không phải hình thành dựa trên cơ sở tình bạn”.
Thomas Anders cho rằng anh cùng Dieter Bohlen luôn giống như “hai đối tác”, chứ chưa bao giờ thực sự là bạn thân bên ngoài sân khấu.
Thomas Anders xuất hiện tại buổi họp báo trước khi có hai buổi diễn tại thủ đô Hà Nội vào tối 26 và 27/11. Ảnh: Hà Hiền. |
Trở lại thời điểm tháng 10/1984, công ty thu âm đặt mục tiêu phá bỏ hình ảnh trước đó của Thomas Anders khi muốn anh trình bày ca khúc tiếng Anh You’re My Heart, You’re My Soul.
Lúc ghi hình MV cho bản hit sau này, họ thấy Anders đứng một mình trông hơi trống trải, và quyết định để Dieter Bohlen - khi ấy là một nhà sản xuất âm nhạc - cùng xuất hiện trước máy quay.
Lúc đó, cái tên Modern Talking thậm chí còn chưa tồn tại. Thomas Anders tiết lộ: “Tên ban nhạc đến từ một viên thư ký tại công ty thu âm. Cô ấy đứng nhìn bảng xếp hạng âm nhạc nước Đức, quan sát thấy hai chữ ‘Modern’ cùng ‘Talk’ xuất hiện khá nhiều, và gợi ý cái tên Modern Talk. Khi ngồi họp lại với nhau, chúng tôi quyết định chọn Modern Talking”.
Nhưng You’re My Heart, You’re My Soul trong tuần đầu lên kệ chỉ bán được 6.000 bản, và tất cả cho rằng đó là một thất bại. Thế rồi bẵng đến thời điểm Giáng sinh, mọi chuyện thay đổi 180 độ.
“Công ty thu âm gọi lại cho tôi. Hóa ra đĩa đơn vẫn lan tỏa âm ỉ suốt thời gian ấy và bán được tổng cộng 60.000 bản. Các kênh truyền hình bắt đầu mời Modern Talking biểu diễn và thành công ấy hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch của tất cả”, Anders nói.
Thành công của You're My Heart, You're My Soul hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của ê-kíp sản xuất. Ảnh: BMG. |
Modern Talking chia tay lần đầu năm 1987 sau khi phát hành tổng cộng 5 album. Họ tái hợp năm 1998, để rồi lại tan rã vào năm 2003 bởi hai cuốn tự truyện của Dieter Bohlen. Thomas Anders cùng nhiều người trong ê-kíp của Modern Talking cho rằng chúng chứa đựng nhiều tình tiết sai sự thật và họ thậm chí đã đưa đồng nghiệp cũ ra tòa.
Khi được hỏi về mối quan hệ lúc này với Dieter Bohlen, Thomas Anders cho biết: “Modern Talking giờ là một thương hiệu, vẫn hái ra tiền nhờ bản quyền âm nhạc. Do đó, tuy không còn liên lạc, nhưng chúng tôi vẫn như đối tác làm ăn. Các cuộc thảo luận về doanh thu chủ yếu diễn ra thông qua luật sư đại diện”.
Một nửa sự thật thì không phải là sự thật, nhưng danh ca cho rằng: “Các bạn có thể nghĩ tôi đến Việt Nam với tư cách là một nửa của Modern Talking. Nhưng hãy yên tâm rằng chất lượng âm nhạc mà tôi đem lại vẫn như xưa, bởi tôi là gương mặt và giọng hát của ban nhạc. Khán giả sẽ không cảm thấy khác biệt ngay cả khi chỉ có mình tôi đứng trên sân khấu, trình bày những bản hit năm xưa”.
Trên thực tế, hai đêm diễn 26-27/11 của Thomas Anders tại Hà Nội nằm trong chuyến lưu diễn quảng bá cho album mới History (2016) của anh. “75% số ca khúc tôi biểu diễn là của Modern Talking, 25% còn lại là các ca khúc thuộc sự nghiệp solo”, nam ca sĩ chia sẻ.
Thomas Anders cho biết khoảng 75% ca khúc anh trình diễn tại Việt Nam là của Modern Talking. Số còn lại đến từ sự nghiệp solo của nam ca sĩ. Ảnh: Hà Hiền. |
“Hai đêm diễn tại Việt Nam không khác so với những gì tôi và ê-kíp đã dày công thiết kế cho chuyến lưu diễn kéo dài 15 tháng. Phải tới năm 2018, chúng tôi mới có thể thay đổi.
Tôi đã hát You’re My Heart, You’re My Soul và nhiều ca khúc khác của Modern Talking suốt hơn 30 năm qua. Tôi luôn phải tìm cách thay đổi phong cách biểu diễn chúng trên sân khấu để khán giả cảm thấy mới mẻ”, anh nói thêm.
Thomas Anders tiết lộ anh chọn Việt Nam làm điểm đến trong cuối năm 2016 bởi nghe nói con người quốc gia Đông Nam Á rất thân thiện. Ngoài ra, ở gần nơi anh sinh sống có một quán ăn Việt tên là Hà Nội. Anders vẫn thường ghé thăm nơi đây để dùng bữa mỗi khi có dịp.
IB Group, đơn vị tổ chức hai đêm diễn của Thomas Anders, cũng là những người từng mời các nghệ sĩ gắn liền với thế hệ 7X, đầu 8X như Boney M, Richard Clayderman… về Việt Nam.
Họ từ chối tiết lộ về việc liệu có mời những ca sĩ hiện đại về Việt Nam trong tương lai gần hay không, và giải thích về chuyện ký hợp đồng với một nửa của Modern Talking rằng: “Chúng tôi thấy cơn khát kéo dài 30 năm nên được giải quyết trước. Còn những cơn khát mới xuất hiện thì hoàn toàn có thể chờ được”.