Hai nhân viên xuất nhập cảnh làm việc tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, thủ đô Bangkok. Thời gian xuất hiện triệu chứng được xác định lần lượt vào ngày 7 và 8/3. Cả hai người đã tiếp xúc với nhiều du khách trong thời gian trước khi được chẩn đoán.
Có khả năng do tiếp xúc với du khách nước ngoài hoặc chạm vào hộ chiếu
Trong hai ca nhiễm này, một nhân viên thuộc nhóm chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho công dân Thái Lan trở về từ Hàn Quốc.
"Họ không làm việc cùng vị trí. Có khả năng họ đã tiếp xúc với du khách nước ngoài hoặc chạm vào hộ chiếu", Sopon Iamsirithaworn, quan chức Vụ Kiểm soát Dịch bệnh, Bộ Y tế Thái Lan, ngày 11/3 cho biết.
Hành khách xếp hàng kiểm tra y tế và đo nhiệt độ tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ngày 9/3. Ảnh: AFP. |
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan thông báo sẽ tạm hoãn miễn thị thực cho người đến từ Hàn Quốc, Hong Kong và Italy. Chính sách cấp thị thực tại nơi đến cho người đến từ 18 nước khác, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, cũng phải tạm dừng
Mọi hành khách chịu ảnh hưởng của biện pháp hạn chế đi lại cần xin thị thực tại các đại sứ quán của Thái Lan ở nước mình và trình tờ khai y tế. Hãng hàng không Thai Airways tuần qua thông báo sẽ ngưng mọi chuyến bay đến Italy, nơi có số ca nhiễm cao nhất châu Âu. Tính đến ngày 11/3, Thái Lan đã ghi nhận 59 ca dương tính với chủng virus corona mới (SARS-CoV-2). Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thấp vì số xét nghiệm được tiến hành tại nước này còn hạn chế.
Ca tử vong vì virus corona đầu tiên tại Indonesia
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Bộ Y tế Indonesia ngày 11/3 thông báo đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên dương tính với chủng virus corona mới (SARS-CoV-2). Bệnh nhân là người nước ngoài với nhiều bệnh lý sẵn có.
"Bệnh lý sẵn có của bệnh nhân gồm cao huyết áp, cường tuyến giáp và mắc bệnh tắc nghẽn phổi trong nhiều năm", Achmad Yurianto, người phát ngôn ban chỉ đạo ứng phó bệnh virus corona (Covid-19), trả lời họp báo ngày 11/3.
"Nữ bệnh nhân 53 tuổi, là người nước ngoài. Đại sứ quán đã được báo tin", ông từ chối tiết lộ quốc tịch người này, chỉ thông báo thời gian tử vong của bệnh nhân là khoảng 2h ngày 11/3.
"Virus corona làm suy giảm hệ miễn dịch của bà, do đó những bệnh lý sẵn có của người này trở nên nghiêm trọng hơn", ông Achmad mô tả ca bệnh.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại một thánh đường Hồi giáo ở khu trung tâm Jakarta. Ảnh: Antara. |
Indonesia đang đẩy mạnh xét nghiệm cho người dân giữa lo ngại chủng virus corona mới bùng phát lây nhiễm ở nước này. Số ca nhiễm ở Indonesia tính đến ngày 11/3 là 27 trường hợp, bao gồm cả ca tử vong đầu tiên, theo Straits Times.
Bộ Y tế Indonesia cho biết đã tiến hành xét nghiệm cho 736 cá nhân. Trước đó, nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo có khả năng Indonesia để lọt ca nhiễm do dân số phân tán trên hàng nghìn hòn đảo và cơ sở hạ tầng không đồng đều.
Hai ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ở quốc gia vạn đảo vào ngày 2/3, sống ở Tây Java. Họ tiếp xúc với một du khách Nhật Bản dương tính với virus corona. Kể từ khi phát triệu chứng vào ngày 16/2 đến khi nhập viện vào ngày 1/3, các bệnh nhân không được cho cách ly.
Lây nhiễm cộng đồng có thể đã xuất hiện tại Indonesia. Tuần qua, giới chức y tế nước này phát hiện một ca nhiễm chưa từng đến nơi bùng phát dịch và không có liên hệ với bất kỳ bệnh nhân nào xét nghiệm dương tính với virus. Đây cũng là ca nhiễm thứ 27 tại Indonesia, theo Jakarta Post.
Trong khi đó, tính đến ngày 9/3, đã có ít nhất 5 trường hợp nghi nhiễm virus tử vong ở Indonesia. Giới chức y tế nước này sau đó khẳng định các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính.
Indonesia không có những trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh hoạt động độc lập. Bộ Y tế Indonesia trực tiếp chỉ đạo nỗ lực ứng phó dịch bệnh, còn ông Achmad Yurianto là người phát ngôn duy nhất của chính phủ về vấn đề này.