Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai người trụ lại cuối cùng trên cuộc đua giành ghế thủ tướng Anh

Từ tám ứng viên ban đầu, cuộc đua tìm ra lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ - cũng là thủ tướng mới của nước Anh - chỉ còn lại hai chính trị gia nặng ký.

“Các đảng viên Bảo thủ có hồ sơ tốt nhất có lẽ là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss”, giáo sư Scott Lucas (Đại học Birmingham, Anh) chia sẻ với Zing về các ứng viên có triển vọng thay thế ông Johnson ngay sau khi vị thủ tướng tuyên bố từ chức hồi đầu tháng 7.

Tới hôm 20/7, đánh giá của giáo sư Lucas đã thành sự thật. Sau năm vòng bỏ phiếu trong nội bộ các nghị sĩ đảng Bảo thủ, sáu ứng viên đã phải từ bỏ cuộc đua. Chỉ ông Sunak và bà Truss còn trụ lại.

Các ứng viên dẫn đầu

Trong bốn vòng bầu chọn đầu tiên, ông Sunak luôn là người dẫn đầu, còn bà Truss về đích thứ ba. Ở cả bốn vòng, ứng viên về thứ hai là bà Mordaunt - người không mấy tiếng tăm ngay cả trong nước Anh, nhưng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Dù vậy, đến vòng 5, khi chỉ còn ba ứng viên, bà Truss đã vượt qua bà Mordaunt với số phiếu 113-105 để bước vào vòng bỏ phiếu cuối cùng ở quy mô toàn đảng với ông Sunak. Toàn bộ quy trình dự kiến hoàn tất trước ngày 5/9, khi Hạ viện Anh họp trở lại sau kỳ nghỉ hè.

cuoc dua thu tuong anh anh 1

Ông Sunak là ứng viên dẫn đầu sau vòng bầu cử giữa các nghị sĩ. Ảnh: AP.

Ông Sunak được coi là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Quan điểm về giữ mức thuế thấp của ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng viên đảng Bảo thủ, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đang có các biện pháp giúp đỡ người dân giữa “bão giá”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Truss được những người ủng hộ coi là “Margaret Thatcher thứ hai”. Bà cũng được coi như một “ngôi sao đang lên” của đảng Bảo thủ khi từng là nữ thành viên nội các trẻ nhất, nữ bộ trưởng Tư pháp trẻ nhất trong lịch sử nước Anh, cũng như là nữ ngoại trưởng trẻ nhất mà đảng Bảo thủ từng có.

Dù vậy, cả hai ứng viên này đều có những điểm yếu nhất định. “Vấn đề của ông Sunak là ông ấy có các vấn đề về tài chính và có một số kẻ thù trong đảng Bảo thủ. Vấn đề của bà Truss là bản thân bà không thực sự được xem như một đối thủ nặng ký có thể có ảnh hưởng lớn”, giáo sư Lucas chỉ ra.

Đánh giá của giới chuyên gia - và cả các công ty cá cược tại Anh - ngay sau vòng bỏ phiếu thứ 5 cũng chỉ ra dù ông Sunak nhận được sự ủng hộ lớn hơn của các nghị sĩ, bà Truss mới là người đang dẫn đầu trong vòng bầu cử phổ thông.

"Liz Truss được ưa thích hơn trong đảng Bảo thủ", nhà báo Moya Lothian-McLean viết trên Guardian. "Đây là những người sẽ quyết định thủ tướng tương lai của nước Anh là ai".

Dù vậy, kết quả vẫn rất khó đoán khi hai ứng viên còn nhiều thời gian trước vòng bầu cử.

“Theo tôi, không có ứng viên nào nắm thế thượng phong, điều sẽ gây ra thêm sự không chắc chắn trong những tháng tới”, giáo sư Lucas nói.

Mềm mỏng hơn với EU

Trong bối cảnh nước Anh đang trải qua giai đoạn điều chỉnh chính sách đối ngoại hậu Brexit, nhiều nhà quan sát đang cố trả lời câu hỏi: Liệu đường lối của London có thay đổi gì sau khi ông Boris Johnson ra đi hay không?

Theo giáo sư Iain Begg (Trường Kinh tế London, Anh), chính sách đối ngoại của Anh sẽ ít thay đổi, đặc biệt là trong vấn đề Ukraine. “Tuy nhiên, cách tiếp cận với Liên minh châu Âu có thể ít thù địch hơn”, ông nhận định với Zing.

Đồng quan điểm, giáo sư Lucas cho rằng chính sách đối ngoại của Anh vẫn tiếp tục kể cả trong thời kỳ bất ổn chính trị, khi các công chức, nhà ngoại giao và quân đội là nhân tố giúp vận hành chính sách này.

cuoc dua thu tuong anh anh 2

Chính sách của Anh trong vấn đề Ukraine được dự báo sẽ không thay đổi. Ảnh: CNN.

“Với Ukraine, nước Anh đã rất nổi bật, hỗ trợ Kyiv trong cuộc tấn công của Nga. Tôi nghĩ điều này sẽ tiếp tục”, ông nói. “Vấn đề lớn đối với chính sách đối ngoại của Anh không phải là việc ông Johnson từ chức, mà là Brexit”.

Các chuyên gia cũng tỏ ý nghi ngờ về khả năng ông Johnson có thể tại nhiệm đến mùa thu, theo như tuyên bố của vị thủ tướng khi từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ.

“Tôi nghĩ có nhiều người muốn ông ấy rời đi ngay lập tức”, giáo sư Begg nhận định. “Tôi đã thấy những ý kiến cho rằng việc để ông ấy ở lại làm thủ tướng tạm quyền là sai lầm tồi tệ. Phó thủ tướng hiện tại, ông (Dominic) Raab, là lựa chọn thay thế có nhiều khả năng nhất”.

Theo giáo sư Lucas, ông Johnson sẽ không có đủ sự ủng hộ trong đảng Bảo thủ để duy trì vị trí lãnh đạo. Do đó, vì lợi ích của đảng, một sự “loại bỏ hoàn toàn” là điều cần thiết.

“Tôi cũng cảm thấy vì lợi ích của đất nước, việc để một nhà lãnh đạo ái kỷ, không còn gì để mất cầm quyền là điều không khôn ngoan. Ông ấy sẽ cố gắng để lại di sản, điều có thể gây hậu quả tiêu cực về dài hạn”, vị chuyên gia chia sẻ.

Dù vậy, những nỗ lực đầu tiên để sớm “đẩy” ông Johnson khỏi số 10 phố Downing đã thất bại. Chính phủ Anh ngày 12/7 từ chối nỗ lực của Công đảng nhằm tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc ông Johnson phải rời ghế thủ tướng.

Sau vụ việc, chính phủ Anh tuyên bố đã tự đệ trình bản kiến nghị về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong đó không trực tiếp chỉ trích ông Johnson. Bất chấp thái độ với Johnson, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đêm 18/7 vẫn bỏ phiếu để giúp chính phủ thắng lợi áp đảo 349-238, qua đó tránh kịch bản về một cuộc tổng tuyển cử mới.

Hàng loạt nghị sĩ đồng thanh hô 'Tạm biệt, Boris' tại Quốc hội Anh Tiếng hô "Tạm biệt" với ông Boris đã vang lên tại cuộc họp của Quốc hội Anh tối 6/7, sau khi hàng chục quan chức từ chức để phản đối Thủ tướng Boris Johnson sau hàng loạt bê bối.

Cựu bộ trưởng Tài chính Anh dẫn đầu cuộc đua chức thủ tướng

Cựu bộ trưởng Tài chính Anh hôm 13/7 giành được sự ủng hộ nhiều nhất từ ​​các nhà lập pháp đảng Bảo thủ trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên để chọn người kế nhiệm ông Boris Johnson.

Tám ứng viên chạy đua vị trí kế nhiệm thủ tướng Anh

Tám đảng viên Bảo thủ sẽ tham gia cuộc đua kế nhiệm ông Boris Johnson để giành vị trí lãnh đạo đảng và thủ tướng Anh, sau khi đạt đủ đề cử từ các thành viên trong đảng.

Việt Hà - Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm