Đó không phải là lễ cưới mà họ lên kế hoạch khi kết hôn vào năm 2017, nhưng đối với Sumarrlidi và Jon, buổi lễ diễn ra trước dung nham núi lửa phun trào ở Iceland cho cảm giác "kỳ lạ, lộng lẫy và đáng sợ cùng một lúc".
Cặp đôi đã đi bộ hơn 2 giờ qua tuyết và gió mạnh để đến địa điểm núi lửa phun trào trên bán đảo Reykjanes.
"Tôi đã nghĩ rằng mình có lẽ sẽ chết cóng trong đám cưới của chính mình", anh Sumarlidi chia sẻ với Guardian.
Chú rể Jon và chú rể Sumarlidi chụp ảnh cưới trước dung nham phun trào. Ảnh: Guardian. |
Nhưng khi cả hai khoác vào bộ vest trong chiếc lều mới dựng, bầu trời bất ngờ quang đãng và mặt trời ló rạng. Họ trao nhau nhẫn, lời thề và cùng uống rượu sâm-banh với bánh ngọt.
"Mọi thứ quá hoàn hảo, đây sẽ là một ngày mà chúng tôi không bao giờ quên", chú rể Sumarlidi chia sẻ.
Cặp tân lang này là hai trong số gần 45.000 người đã đến Fagradalsfjall trong vòng một tháng qua kể từ khi núi lửa bắt đầu phun trào - tương đương với 13% dân số đất nước. Đây là vụ phun trào đầu tiên ở khu vực - cách thủ đô Reykjavik 20 km - trong vòng 800 năm qua.
Người dân Iceland đón nhận hiện tượng thiên nhiên này một cách đầy nồng nhiệt, với hàng nghìn bức ảnh về dung nham sủi bọt được đăng trên mạng xã hội.
Iceland là "một trong những nơi có nhiều núi lửa nhất trên trái đất", theo ông Thorvaldur Thordarson, giáo sư nghiên cứu về núi lửa tại Đại học Iceland. Nói một cách dễ hiểu, Iceland chính là một ngọn núi lửa lớn.
Nhưng rất hiếm khi công chúng có thể tiếp cận với một vụ phun trào ở khoảng cách gần như thế nào. Ông Thordarson cho biết đường đi dễ tiếp cận và hiện tượng phun trào cũng không quá mạnh mẽ, người dân có thể đến gần mà vẫn an toàn.
"Lưu lượng phun ra từ các lỗ thông hơi là khoảng 10 mét khối mỗi giây. Với các vụ phun trào lớn, bạn sẽ thấy hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn mét khối vật chất bị phun ra. Khả năng xảy ra vụ phun trào lớn ở đây là rất thấp", ông Thordarson, người đã đến khu vực vài lần trong những ngày qua để đo đạc, giải thích thêm.