Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai nghi phạm xả súng Mỹ từng nói về tử vì đạo

Vợ chồng nghi phạm vụ xả súng đẫm máu tại California đã nhiễm tư tưởng cực đoan đồng thời thảo luận qua mạng từ năm 2013 về tổ chức cuộc thánh chiến và tử vì đạo.

Tại phiên điều trần Ủy ban Tư pháp Thượng viện ngày 9/12, giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey tin rằng, Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, và Tashfeen Malik, 29 tuổi, đã được truyền cảm hứng từ những kẻ cực đoan Hồi giáo trước khi hai người này quen nhau.

"Vợ chồng nghi phạm vụ xả súng đẫm máu tại California đã thảo luận qua mạng về thánh chiến và tử vì đạo một năm trước khi gặp mặt", ông Comey nói.

Tuy nhiên, theo giám đốc FBI, cơ quan không có bằng chứng cho thấy chiến binh Hồi giáo sắp đặt cuộc hôn nhân giữa Farook và Malik để khiến vụ tấn công dễ dàng.

Vợ chồng Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik. Ảnh: NBC News

Nguồn gốc chính xác về những kẻ truyền tư tưởng cực đoan cho hai nghi phạm vẫn chưa được xác định, song dường như thời điểm là khoảng hai năm trước khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoành hành.

"Hai nghi phạm đã thực sự nhiễm cực đoan trước khi họ bắt đầu hẹn hò trực tuyến, sớm nhất là cuối năm 2013 khi hai kẻ này trò chuyện với nhau về thánh chiến và tử vì đạo trước khi kết hôn”,  Reuters dẫn lời giám đốc FBI nói.

Nữ nghi phạm Malik và chồng Farook đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng với cảnh sát khi bỏ trốn khỏi hiện trường xả súng tại cơ sở chăm sóc xã hội ở thành phố San Bernardino, bang California, ngày 2/12. Các nhà điều tra đang cố gắng thu thập thông tin về động cơ của hai người này. Tuy nhiên, họ chưa có kết quả rõ ràng.

Mỹ đang đối mặt nguy cơ khủng bố cao nhất kể từ vụ 11/9

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên điều trần Ủy ban Tư pháp Thượng viện ngày 9/12, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đặt câu hỏi cho giám đốc FBI về chủ nghĩa khủng bố. Người đứng đầu FBI trả lời rằng Mỹ đang đứng trước mối đe dọa lớn nhất từ các nhóm khủng bố kể từ sau vụ 11/9 và việc cắt giảm ngân sách khiến cơ quan gặp khó khăn khi bảo vệ đất nước.

"Ông có đồng tình với phát biểu sau: Ngày càng nhiều tổ chức khủng bố xuất hiện với binh lực, thiết bị và nơi trú ẩn an toàn, đang âm mưu tấn công nước Mỹ vào bất cứ thời điểm nào, kể từ sau vụ 11/9?", thành viên đảng Cộng hòa tới từ bang Nam Carolina hỏi.

Giám đốc FBI Comey nói, ông đồng ý với nhận định trên và cho biết việc cắt giảm ngân sách theo quyết định của Quốc hội trong những năm gần đây khiến FBI gặp khó khăn khi bảo vệ nước Mỹ trước vấn nạn khủng bố.

Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: CNN

"Ông nghĩ gì sao về khả năng một vụ tấn công tương tự khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ nếu chúng ta không phá hủy thành trì của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq trong năm tới?" Graham nói.

"Đây là một câu hỏi khó", Comey nói. "Những kẻ khủng bố có khả năng tìm nơi trú ẩn an toàn để thu thập thông tin, con người, lên kế hoạch và âm mưu tăng nguy cơ phối hợp để thực hiện một cuộc tấn công tinh vi nhằm vào quê hương”, CNN dẫn lời giám đốc FBI khẳng định.

Theo người đứng đầu cục điều tra, vụ tấn công đẫm máu ở San Bernardino khiến 14 người chết là một hành động khủng bố do những kẻ nhiễm tư tưởng cực đoan và lấy cảm hứng từ IS, thực hiện.

Ông Comey cũng nhấn mạnh rằng, những lời hùng biện bốc đồng về người Hồi giáo sẽ đặt cuộc sống của lính Mỹ, các nhà ngoại giao và nhân viên FBI ở Trung Đông vào tình thế nguy hiểm. Comey muốn đề cập tới đề xuất cấm người Hồi giáo của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Phát biểu của giám đốc FBI được đưa ra sau hàng loạt vụ khủng bố trên toàn cầu nhiều tháng qua tại Pháp, Ai Cập và Nigeria, cũng như vụ cuộc tấn công ở San Bernardino hồi tuần trước.

Nhà Trắng chỉ trích đề xuất cấm người Hồi giáo của ông Trump

Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh của ứng viên tổng thống Donald Trump gây tổn hại đến an ninh quốc gia.


Hải Anh

Bạn có thể quan tâm