Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai mặt của cách chống dịch 'tùy địa phương quyết' tại Mỹ

Trong nhiều thế kỷ nay, Mỹ luôn phản đối chính sách y tế công cộng tập trung. Nhưng trong tuần qua, họ đã nhìn thấy mặt trái của các biện pháp chống dịch bất nhất theo địa phương.

David Norton, người điều hành một trung tâm cộng đồng ở thành phố bé nhỏ Pawtucket thuộc bang Rhode Island (Mỹ), không phải là nhà khoa học, cũng như tất cả các thành viên hội đồng khác vừa tham gia cuộc họp khẩn cấp vào tuần trước để quyết định xem họ có nên hủy các sự kiện trước nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Họ ngồi cùng nhau - một y tá, một công chức, một nhà trị liệu, và một giám đốc bảo hiểm, cố gắng “giải mã” những chỉ dẫn được đưa ra bởi chính quyền tiểu bang và liên bang.

Thống đốc bang Rhode Island, Gina Raimondo, trước đó kêu gọi các nhà lãnh đạo cộng đồng hủy mọi sự kiện tập trung trên 250 người, mặc dù vậy các trường công ở Pawtucket vẫn hoạt động. Một trường tư lân cận đã phải đóng cửa 2 tuần sau khi phát hiện ca nhiễm corona đầu tiên của bang. Boston hủy cuộc diễu hành Ngày Thánh Patrick nhưng Newport thì không. Các rạp chiếu phim và trung tâm thương mại vẫn hoạt động, trong khi Disney World quyết định đóng cửa.

Cuối cùng thì các thành viên đã bỏ phiếu đồng thuận hủy bỏ hầu hết sự kiện cho đến hết tháng 4.

"Một quyết định hoàn toàn mang tính chất đối phó", ông Norton bình luận. "Chẳng có cơ sở khoa học hay lý luận nào cho việc đó cả. Thật sự không giống như chúng tôi đang làm theo chỉ dẫn của ai đó".

Với việc không có một hướng dẫn rõ ràng từ chính phủ, "cảm giác như chúng tôi đang phải tự mình quyết định xem điều gì là tốt nhất", ông nói. "Rất dễ phạm phải sai lầm. Trong khi ở Singapore hay Nhật Bản, một khi đã quyết định hủy, thì là hủy".

virus corona anh 1

Nhân viên chăm sóc sức khỏe tiến hành kiểm tra người đi đường tại trạm xét nghiệm dành cho những người nghi ngờ nhiễm virus corona ở Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Hệ thống phi tập trung

Bài viết trên New York Times cho rằng Mỹ, quốc gia thành lập trên nền tảng là sự tôn trọng các quyền cá nhân và kiểm soát quyền lực liên bang, đã trao quyền ra các quyết định quan trọng về vấn đề y tế công cộng cho các bang và chính quyền địa phương.

Diễn biến tuần trước cho thấy sự chắp vá và bối rối trong việc ra quyết định của các địa phương, trong khi cuộc cách ly lớn nhất lịch sử nước Mỹ gần đây diễn ra một cách lẻ tẻ.

Việc hạn chế các cuộc tụ họp công cộng được quyết định riêng rẽ bởi từng tiểu bang và các hạt, việc đóng cửa trường học lại do từng học khu (đơn vị quản lý hệ thống trường công tại một khu vực địa phương) quyết định.

Công tác xét nghiệm diễn ra mỗi nơi một khác, một số bang áp dụng cách thức xét nghiệm ngoài bệnh viện (người dân không cần đến cơ sở y tế) và xét nghiệm thông qua các công ty xét nghiệm tư nhân.

Mặc dù Mỹ có một cơ quan công quyền trung ương đảm trách ứng phó với các bệnh truyền nhiễm là Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), song chính quyền liên bang vẫn không thể can thiệp ở địa phương, trừ khi có đề nghị từ các tiểu bang hoặc thành phố.

"Chúng ta có một hệ thống y tế công cộng hoàn toàn phi tập trung", Michele Barry, Phó trưởng khoa về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Stanford cho biết. "Rất khó để huy động một chiến lược ngăn chặn quy mô lớn. Đó là những gì Singapore, hay Trung Quốc đã làm được. Chúng ta thậm chí còn không thể triển khai từ cấp bang trở lên mà là từ cấp hạt".

Michele Barry lo ngại rằng điều này đang cản trở Mỹ hành động một cách nhanh chóng nhằm ban hành các biện pháp kiểm soát mạnh tay đối với cách ly xã hội. "Tôi e chúng ta sẽ nối gót Italy thay vì Singapore hay Hong Kong, bởi vì chúng ta đã được phi tập trung hóa", bà nói.

virus corona anh 2

Người đi bộ ngang qua cửa hàng cung cấp các mặt hàng y tế giúp phòng chống corona như chất khử trùng tay, khẩu trang tại Washington, Mỹ. Ảnh Reuters.

Chính phủ liên bang vào cuộc

Trong các cuộc phỏng vấn khắp nước Mỹ tuần qua, người dân đặt câu hỏi tại sao cách chính phủ ứng phó với dịch corona ở mỗi nơi họ sống lại khác nhau đến vậy.

"Mỗi bang lại có những quy tắc nhỏ khác nhau của riêng mình", New York Times dẫn lời Linda Dunn, 64 tuổi, một lái xe Uber và giáo viên về hưu ở Orlando, Florida, cho biết. Buổi sáng hôm đó, qua tin tức bà được biết bang Minnesota đang áp dụng cách thức xét nghiệm ngoài bệnh viện. Thật vô lý, bà nói, vì rằng người dân Florida không thể có dịch vụ tương tự.

"Chúng ta đang ngồi trên đống lửa. Cách để kiểm soát tình hình là tiến hành xét nghiệm", bà Dunn nhấn mạnh cần phải thực hiện và làm cho xong việc này. Nếu các bang không thể bắt kịp nhau thì chính phủ liên bang cần phải vào cuộc, bà nói. "Đó là một trong những lý do chúng ta cần đến một chính phủ liên bang. Đây là tình huống khẩn cấp".

Đối với rất nhiều phụ huynh, việc đóng cửa trường học một cách không thống nhất gây khó hiểu và hỗn loạn. Bà Tracy Stettner, 44 tuổi, tại Hillsborough, California, nói rằng thật khó để giải thích cho hai đứa con của bà về việc tại sao trường tư của con trai út đã cho nghỉ học để phòng dịch, còn con trai lớn thì vẫn rời nhà mỗi sáng, đến trường cùng 1.200 học sinh khác, rồi lại trở về nhà.

"Cần phải triệt để, nếu không làm sao chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan?”, bà Stettler nói. "Điều khó hiểu nhất với các con tôi đó là, tại sao mùa giải N.B.A (Giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp nhà nghề Bắc Mỹ) bị hủy trong khi Disneyland hay trường của chúng thì vẫn mở cửa. Thật là vô lý". Bà Stettler cũng nóng lòng chờ đợi một cấp chính quyền cao hơn vào cuộc, ở khu vực bà sinh sống thì đó là Thống đốc Gavin Newsom.

"Các trường công của chúng ta đang đợi ông ấy nói một điều gì đó. Họ cần ông ấy nói rằng thời điểm này 'đứa trẻ nào không đến trường cũng đều là vắng mặt chính đáng'. Và thậm chí còn hơn thế, họ cần ông ấy yêu cầu 'không tụ tập đông người', và vì thế các trường học cần phải đóng cửa", bà nói.

Ở Bellevue, Washington, bà Geng Tan, 48 tuổi, tự hỏi tại sao trường của các con bà vẫn hoạt động, trong khi các trường ở hạt lân cận đã thông báo đóng cửa để phòng dịch.

Bà Tan, một kiến trúc sư lớn lên ở Trung Quốc, kết luận rằng sự do dự này "thực sự có liên quan đến cấu trúc xã hội của Mỹ".

"Tôi nghĩ, trong những trường hợp đặc biệt, chúng ta cần một cấp độ cao hơn để đưa ra các quyết định quan trọng", bà Tan nói. "Về cơ bản, các trường học đã ngần ngại khi phải tự mình đưa ra một quyết định khó khăn như vậy”.

virus corona anh 3

Trường Saint Raphael Academy vẫn đang tiếp tục đóng cửa sau khi có ca nhiễm virus corona, đây là ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại bang Rhode Island. Ảnh Timesdirect.tv.

Linh hoạt hay thiếu nhất quán?

Cách tiếp cận cục bộ của nước Mỹ đối với vấn đề y tế công cộng không phải là ngẫu nhiên: Nó vốn được xây dựng theo cách này.

Cấu trúc của hệ thống được định hình bởi đại dịch tả năm 1982, khi dịch bệnh xâm nhập nước Mỹ thông qua hành khách nhiễm bệnh trên các tàu hơi nước đến từ châu Âu, ông Howard Markel, giáo sư về lịch sử y học tại Đại học Michigan cho biết.

Khi đó, có lý do để kiểm soát tình hình một cách cục bộ, bởi vì 3/4 hàng hóa nhập khẩu vào nước Mỹ đều thông qua cảng New York. Kể từ đó, quyền ra quyết định để được kiểm soát bởi các bang và thành phố, Sở Y tế thành phố New York có lực lượng cảnh sát riêng và một hòn đảo đã được sử dụng để làm nơi cách ly những người mắc bệnh.

Tuy nhiên, trong thời hiện đại hơn, việc ra quyết định phi tập trung đã dẫn đến phản ứng chậm trễ.

Bác sĩ Markel từng nghiên cứu trường hợp đóng cửa 550 trường học ở Michigan - một biện pháp đối phó với dịch bệnh do virus H1N1 2009, nói ông nhận thấy "sự bối rối cao độ" cũng như "việc hô hào chính trị suông" từ phía các nhà lãnh đạo, những người mà sau này đã hành động chỉ khi phải đối mặt với sức ép từ cộng đồng.

83% số trường học này đóng cửa khi đã "quá muộn để làm bất cứ điều gì", bác sĩ Markel nhận định. Ông là tác giả cuốn "Kiểm dịch! Những người nhập cư Do Thái Đông Âu và Đại dịch thành phố New York năm 1892".

"Điều này cho thấy cần phải có một bộ hướng dẫn và hành động khẩn cấp ở cấp độ quốc gia", ông nói. Các chiến lược ngăn chặn nhằm mục đích làm chậm lại tốc độ gia tăng các ca nhiễm bệnh, để từ đó các nhà khoa học có thời gian nghiên cứu phát triển một loại vắc xin hay tìm ra các liệu pháp mới. "Cách thức đó sẽ cho chúng ta thêm thời gian. Chúng ta cần phải thực hiện sớm, càng sớm càng tốt bởi vì virus sẽ lây lan".

Mặc dù vậy, chính sách phản ứng cục bộ cũng có mặt tích cực nhất định, nó khuyến khích sự đổi mới và phản ứng nhanh, trong khi tập trung hóa có thể trở nên quá mức cần thiết.

Ngược lại, Mỹ xưa nay vốn dựa vào sức mạnh của phản ứng cộng đồng. Robert Dingwall, một nhà xã hội học người Anh nghiên cứu về ứng phó với đại dịch, nói rằng áp lực cộng đồng thật ra có thể mang lại nhiều ích lợi.

"Truyền thống của người Mỹ là bạn không thể ngồi yên nếu không chê bôi hàng xóm của bạn, hay là can thiệp quá mức vào việc của người khác", ông nói. Nhưng ông cũng nói thêm rằng "tinh thần công dân địa phương" ở Mỹ rất mạnh, được thể hiện trong các tổ chức cộng đồng mạnh nơi có các thị trưởng và báo chí địa phương hoạt động tích cực, và rằng những điều này có thể giúp đạt được nhiều thứ.

"Đó là cơ hội để tạo ra những cách thức giám sát lẫn nhau, nhờ đó mà đạt được hiệu quả tương tự như ở Singapore dù chính phủ nước này đi con đường khác", ông cho biết.

Trong tuần vừa qua, một số quan chức Mỹ đã tìm cách bảo vệ truyền thống đó. Ông Newsom, Thống đống bang California, nói rằng ông không muốn sử dụng thẩm quyền của mình để thực thi các chỉ dẫn về việc giới hạn quy mô các cuộc tụ họp lớn, thay vào đó ông trao quyền quyết định cho từng hạt trong số 58 hạt của California.

"Ở vị trí một thống đốc, tôi có quyền ra quyết định thi hành bắt buộc, nhưng tôi không nghĩ chúng ta cần phải làm như vậy", ông phát biểu. Thống đốc California cho biết sự tự chủ địa phương là một phần của hệ thống hoạt động trên đất Mỹ.

"Nhiều khu vực khác nhau nhưng chúng tôi là một thể thống nhất. Chúng tôi nhận thông tin từ người dân địa phương, sau đó cung cấp hỗ trợ thông qua chính quyền tiểu bang và liên bang. Chúng tôi làm việc cùng nhau, hợp tác chặt chẽ”, ông nói.

Những người đầu tiên thử nghiệm vaccine ngừa virus corona mới ở Mỹ

Bốn trong 45 tình nguyện viên tại Mỹ đã được tiêm mũi đầu tiên của một loại vaccine thử nghiệm phòng ngừa virus corona chủng mới hôm 16/3.

Malaysia phong tỏa toàn quốc sau bất ngờ trở thành tâm dịch Đông Nam Á

Malaysia ngày 16/3 ghi nhận 125 trường hợp mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 553, trở thành nước có dịch Covid-19 nặng nề nhất ở Đông Nam Á.

Trương San

Bạn có thể quan tâm