Không cầu thủ nào tham dự AFF Cup 2020 sở hữu thành tích tập thể ấn tượng như Bunmathan. Chức vô địch J.League 1 năm 2019 trong vai trò hậu vệ số một bên hành lang trái của Yokohama Marinos là cột mốc vượt trội so với phần còn lại của ngôi sao này. Chanathip Songkrasin thi đấu bùng nổ trong màu áo Consadole, nhưng cũng chưa biết mùi đua vô địch.
Danh hiệu tạo nên đẳng cấp và tâm thế thi đấu. Nếu nhìn theo khía cạnh này, Theerathon Bunmathan có quyền ngẩng cao đầu thi đấu với bất kỳ đối thủ nào tại AFF Cup 2020. Thực tế diễn ra đúng như vậy.
Theerathon Bunmathan là điểm nhấn của Thái Lan trước Việt Nam. Ảnh: Getty. |
Đẳng cấp và tiểu xảo của Bunmathan
Thông số sau có thể khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ. Bunmathan là cầu thủ chạm bóng nhiều nhất trận bán kết lượt về giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. Trong thế trận bị cắt vụn bởi những pha bóng phạm lỗi và bóng dài, không phải Chanathip mà số 3 của Thái Lan mới là điểm trung chuyển bóng thường xuyên nhất bên phía "Voi chiến".
Trong 2 lượt trận, Bunmathan là cầu thủ gây khó chịu nhất cho tuyển Việt Nam chứ không phải Chanathip. Khả năng kết nối tốt của ngôi sao này với Teerasil Dangda, Chanathip hay Supachok giúp người Thái có điểm tựa vững vàng từ tuyến dưới. Cú đá nguy hiểm nhất của người Thái trong trận lượt về đến từ chính Bunmathan sau pha băng lên dứt điểm sấm sét.
Những pha đánh nguội kiểu này của Bunmathan gây ức chế lớn với đối phương. |
Song chuyên môn thực tế chỉ là một phần trong ảnh hưởng mà Bunmathan. Sự ma mãnh cùng lối chơi tiểu xảo là biến ngôi sao này thành thỏi nam chân hút những tranh cãi trên sân. Khi trở về khu vực, sân chơi không có VAR, năng lực phi chuyên môn này của Bunmathan thể hiện rõ ràng khi liên tục tạo ra tranh cãi.
Từ trận lượt đi, Bunmathan đã tận dụng tối đa lợi thế không VAR để liên tục tấn công vào tinh thần của tuyển Việt Nam. Những pha bỏ bóng đá người của ngôi sao này với Quang Hải và Văn Toàn phía tuyển Việt Nam tạo ra ức chế lớn.
Bunmathan hiểu rõ trong cuộc đấu giữa 2 đối thủ có trình độ gần tương đồng, tinh thần sẽ là thứ tạo ra khác biệt. Việc liên tục đá xấu kết hợp với việc không phải nhận những án phạt thích đáng khiến người Thái chiếm ưu thế về tâm lý trước trước tuyển Việt Nam có phần dè dặt sau khi hít thở không khí vòng loại thứ ba của World Cup 2022.
Cú trượt chân tai hại của Hồng Duy càng khiến tình hình trở nên tệ hơn với tuyển Việt Nam. Khi kết thúc trận lượt đi, Bunmathan còn gây hấn với cả ban huấn luyện tuyển Việt Nam khi bĩu môi bày tỏ thái độ. Tranh cãi cứ tự động hút về Bunmathan theo cách ấy. Ngay cả trong phòng họp báo, ông Park cũng phải lên tiếng đáp trả hậu vệ của Thái Lan.
Bunmathan rõ ràng có được điều mình muốn là sự chú ý. Nhờ Bunmathan, áp lực đặt lên vai tập thể Thái Lan nói chung cũng bớt đi phần nào. Không ai nhớ Teerasil Dangda thể hiện phong độ tồi tệ trước tuyển Việt Nam khi bị khóa chặt và liên tục dứt điểm hỏng, hay Thitipan bị hàng tiền vệ Việt Nam gây sức ép đến mức không dám chơi bóng.
Lối đá kiểu này không mới tại khu vực Đông Nam Á, nếu không muốn nói đây là truyền thống của vùng trũng bóng đá thế giới. Trong các kỳ AFF Cup trong quá khứ, các pha bỏ bóng đá người, khiêu khích, tiểu xảo tương tự Bunmathan xuất hiện nhan nhản.
Sự xuất hiện của VAR khiến mặt trái này dần biến mất khỏi bóng đá hiện đại. Song AFF Cup với sự lạc hậu trong công tác tổ chức và quản lý là thời cơ không thể thích hợp hơn để những mẫu cầu thủ kiểu cũ như Bunmathan thi triển kỹ năng. Nếu coi việc đánh bại tuyển Việt Nam là nhiệm vụ, Thái Lan đã chinh phục được thử thách mà thành công lớn trong đó đến từ năng lực và cá tính của Bunmathan.
Không Bunmathan, Thái Lan đấu lại được Indonesia?
Vấn đề trước mắt của Thái Lan là Bunmathan sẽ bị treo giò ở lượt đi trận chung kết do đã nhận đủ 2 thẻ vàng trước Việt Nam. Cái giá phải trả để vượt qua thầy trò HLV Park Hang-seo rõ ràng là khá đắt với người Thái.
Tìm được người thay thế Bunmathan lúc này không đơn giản. Trận đấu ít thuyết phục nhất của Thái Lan đến lúc này tại AFF Cup, chiến thắng 2-0 trước Timor Leste, là trận duy nhất Bunmathan không thi đấu.
Tristan Do được HLV Mano Polking sử dụng và để lại nhiều vấn đề khi thường xuyên không kịp lui về phòng ngự. Hậu vệ này cũng không đủ ranh mãnh để khiến đối thủ chịu ức chế, từ đó sa sút tinh thần.
Indonesia hiển nhiên là đối thủ khó nhằn hơn Timor Leste. Dù phải bung sức suốt 120 phút trước Singapore ở bán kết, Indonesia được nghỉ nhiều hơn Thái Lan một ngày trước trận chung kết.
Khả năng xoay chuyển thế trận linh hoạt của Indonesia cũng là đáng gờm với HLV Shin Tae-yong trên ghế chỉ đạo. Thái Lan đã vượt qua tuyển Việt Nam với điểm nhấn là việc ông Polking hiểu rất rõ tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo.
Indonesia với Shin Tae-yong tới giờ vẫn là ẩn số lớn với người Thái. Cùng việc Bunmathan không thể thi đấu, "Voi chiến" nhiều khả năng gặp vấn đề khó giải quyết trước địch thủ lạ lẫm Indonesia ở trận chung kết lượt đi.