Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và quyết định việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN giai đoạn 2009-2011.
Ông Thăng có liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra, bao gồm:
(1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank);
(2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thua lỗ tại Nhiệt điện Thái Bình 2
Trong giai đoạn ông Thăng giữ vai trò Chủ tịch HĐTV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn này đầu tư hàng loạt dự án với tổng số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được giao cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, công ty con của PVN triển khai.
Tại dự án này, thua lỗ bắt nguồn từ năm 2011, khi PVN giao cho PVC làm chủ thầu dự án với tổng vốn lên tới 34.295 tỷ đồng, xấp xỉ 1,7 tỷ USD.
Chính việc chỉ định gói thầu này đã gây hậu quả cho dự án.
Trong dự án này, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Mặc dù mới chỉ có chủ trương giao Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam thực hiện gói thầu EPC, chưa ký Hợp đồng EPC nhưng trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 để tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC vào năm 2011.
Sau đó, PVC lại dành 1.080 tỷ đồng tiền tạm ứng đem đi tất toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng, trả lãi vay ủy thác của PVN, hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cá công trình khác 156 tỷ đồng…
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. |
Tính đến năm 2012, báo cáo tài chính của PVC mới chỉ thể hiện khoản đầu tư vào đây là 133 tỷ đồng vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đến năm 2013 mới chỉ là 802 tỷ đồng. Trước đó năm 2011, báo cáo tài chính của PVC chưa xuất hiện khoản đầu tư này.
Ngoài ra, tiền tạm ứng dự án này còn bị PVC góp vốn vào 5 công ty con, 3 công ty trong đó gặp thua lỗ, không thu hồi được vốn khiến PVC phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Trong khi đó, PVN phải chuẩn bị nguồn tiền để khởi động lại dự án nhiệt điện này, tháng 8/2013, PVN đã vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số tổ chức tín dụng khác tổng số 226 triệu USD. Tháng 12/2013, PVN lại tiếp tục phải vay thêm 795,25 triệu USD… để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính tổng công ty đã ký với các nhà thầu phụ cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký.
Hơn 800 tỷ đồng đầu tư vào OceanBank “bốc hơi”
Một khoản đầu tư mất trắng khác của PVN giai đoạn này là số cổ phần nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Theo đó, từ 2008-2011, PVN đã 3 lần thông qua góp vốn vào Oceanbank với tổng số tiền lên tới 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tháng 5/2015, OceanBank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá “0 đồng”. Điều này đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng cổ phần của PVN tại đây đã mất trắng.
Cụ thể, năm 2008, khi Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, PVN đã góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Ngay sau đó, năm 2009, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng rồi 4.000 tỷ năm 2011, PVN góp thêm tương ứng 400 tỷ đồng nữa nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.
Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, OceanBank có nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 10.000 tỷ đồng và âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.
Trong thời gian đầu tư vào Oceanbank, PVN thậm chí đã cử 3 cán bộ sang đảm nhiệm những vai trò chủ chốt tại nhà băng này để quản lý, giám sát khoản đầu tư. Tuy nhiên, trước thời điểm Oceanbank âm vốn lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng PVN vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu nào nguy hiểm của khoản đầu tư này.
Ngoài ra, hàng loạt dự án khác của PVN như 3 nhà máy nhiên liệu sinh hoc gồm ethanol Dung Quất, ethanol Phú Thọ và ethanol Bình Phước cũng đều trong tình trạng khó khăn. Các nhà máy này đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Tính đến 11/2014, toàn bộ vốn đầu tư vào các dự án này đã lên tới 5.401 tỷ đồng.
Một nhà máy khác có sự đầu tư của PVN là Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ hợp tác cùng Tập đoàn Dệt may với tổng mức đầu tư lên tới hơn 325 triệu USD cũng đang kinh doanh trong tình trạng thua lỗ, nhiều lần phải ngừng hoạt động. Tính tới hết năm 2015, lỗ lũy kế của dự án đã lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.
Ngày 8/12, Bộ Công Thương cũng đề xuất xử lý vi phạm kỷ luật đối với 6 nguyên lãnh đạo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, do có nhiều sai phạm liên quan đến các doanh nghiệp lớn ngành này.
Danh sách 6 cựu lãnh đạo PVN đề xuất xử lý kỷ luật gồm bà Phan Thị Hòa, nguyên ủy viên HĐQT PVN; ông Hoàng Xuân Hùng, nguyên thành viên HĐQT PVN; ông Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên HĐQT PVN; ông Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN; ông Đỗ Văn Đạo, nguyên thành viên HĐQT PVN; ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thành viên HĐTV PVN.
Trước đó, hàng chục lãnh đạo khác của tập đoàn PVN và công ty thành viên PVC đã bị khởi tố trong các đại án liên quan.