Chiều 26/5, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Cần Thơ, cho biết qua công tác kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), số lượng ĐBQH tại TP Cần Thơ được bầu là bảy người nhưng mới được năm. Do đó, Ủy ban Bầu cử TP Cần Thơ đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho bầu thêm hai ĐBQH nữa để đủ số lượng theo quy định.
ĐBQH: Bầu không đủ, phải bầu thêm
Ông Hiểu cho biết bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cho hay Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chấp thuận đề xuất bầu thêm của Ủy ban Bầu cử TP Cần Thơ.
Theo ông Hiểu, hai đơn vị bầu cử số 2 (gồm hai quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Thới Lai) và số 3 (gồm quận Thốt Nốt và hai huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh) mỗi đơn vị có bốn ứng cử viên ĐBQH bầu lấy hai người. Tuy nhiên, mỗi đơn vị này chỉ bầu được một người.
Do đó, dự kiến ngày 29/5, cử tri mỗi đơn vị bầu cử trên sẽ bầu thêm một ĐBQH. Theo đó, ở mỗi đơn vị bầu cử này, cử tri sẽ bầu trên danh sách ứng cử viên ĐBQH còn lại (trừ người đã trúng cử) để lấy một người đạt tỷ lệ phiếu bầu cao nhất.
“Khác với lần bầu cử đầu, người trúng cử sẽ tính tỷ lệ phiếu quá bán (và tính từ cao trở xuống) trên tổng số cử tri đi bầu thì lần này người trúng cử sẽ được tính tỷ lệ phiếu quá bán trên tổng số phiếu bầu hợp lệ” - ông Hiểu cho biết.
Cử tri Cần Thơ tại các đơn vị bầu cử bầu không đủ số lượng ĐBQH theo chỉ tiêu phân bổ sẽ tổ chức bầu lại vào ngày 29/5 tới đây.
Trong ảnh: Cử tri Cần Thơ bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp trong cuộc bầu cử đầu tiên, ngày 22/5 vừa rồi. |
Trong khi đó, cuối giờ chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại với PV Pháp Luật TP HCM, ông Lâm Văn Mẫn, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được trả lời chính thức của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về việc xin được bầu bổ sung cho đủ số ĐBQH được phân bổ.
“Hiện tỉnh vẫn đang chờ ý kiến phản hồi từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia từ đó mới tiến hành các bước tiếp theo” - ông Mẫn cho hay.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP HCM, số ĐBQH phải bầu tại các đơn vị bầu cử của tỉnh Sóc Trăng là bảy trong số 15 ứng cử viên, tuy nhiên kết quả sơ bộ bầu cử ĐBQH khóa XIV chỉ bầu được sáu ĐB, còn thiếu một ĐB so với chỉ tiêu phân bổ.
Cần thơ: 4 người tự ứng cử ĐB HĐND đều rớt
Cũng trong chiều 26/5, Ủy ban Bầu cử TP Cần Thơ đã họp thông qua kết quả bầu cử ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 và danh sách 55 người trúng cử ĐB HĐND TP. Như vậy, cử tri TP Cần Thơ đã bầu đủ số lượng ĐB HĐND theo quy định. Trong số 55 ĐB này, người có tỷ lệ phiếu bầu đạt cao nhất là ông Nguyễn Thành Đông, Bí thư huyện Phong Điền (88,18%) và người có tỷ lệ phiếu bầu đạt thấp nhất là 52,7%. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống có tỷ lệ phiếu bầu là 81,25%.
Kết quả này thể hiện bốn người tự ứng cử đều không ai trúng cử. Trong bốn ứng cử viên này, người có tỷ lệ phiếu đạt cao nhất là hơn 51% và người có tỷ lệ phiếu bầu đạt thấp nhất là gần 38%.
Ông Hiểu cho biết trong thời gian năm ngày kể từ ngày công bố (hôm nay), cử tri có quyền gửi khiếu nại về kết quả bầu cử. Trong thời hạn 20 ngày, khiếu nại sẽ được giải quyết. Sau đó, trong vòng năm ngày (nếu không có khiếu nại) hoặc 25 ngày (nếu phải giải quyết khiếu nại) thì Ủy ban Bầu cử TP sẽ ra quyết định công nhận tư cách ĐB HĐND cho những người trúng cử.
Không có chuyện đưa ứng cử viên ra “lót đường”
Cùng ngày, Ủy ban Bầu cử TP HCM đã họp đánh giá sơ bộ công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết TP đã bầu đủ 30 ĐBQH khóa XIV (trong tổng số 50 ứng cử viên) và 105 ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 (trong tổng số 178 ứng cử viên).
Bà Tâm cho biết theo đánh giá sơ bộ, có những người không trúng cử cũng đạt tỷ lệ phiếu bầu trên 50%. “Tất cả ứng cử viên đều có cơ hội bình đẳng như nhau. Trúng cử hay không tùy thuộc vào lá phiếu bầu chọn của cử tri. Không có chuyện ứng cử viên ra để “lót đường” như dư luận xuyên tạc”. Bà Tâm khẳng định như thế và cho biết danh sách 30 ĐBQH trúng cử sẽ do Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố. Còn danh sách 105 ĐB HĐND TP HCM trúng cử sẽ được Ủy ban Bầu cử TP công bố vào lúc 9 giờ hôm nay (ngày 27/5).
Riêng cuộc bầu cử ĐB HĐND cấp xã-phường-thị trấn, bầu thiếu 37 ĐB. Theo bà Tâm, luật quy định nếu bầu không đủ 2/3 ĐB thì phải bầu thêm. Tuy nhiên, do mỗi phường chỉ thiếu một ĐB nên TP không tổ chức bầu thêm.
• Chiều 26/5, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội cho biết: TP Hà Nội đã bầu đủ 30 ĐBQH và 105 ĐB HĐND TP.
• Cũng trong ngày, Ủy ban Bầu cử tỉnh Nghệ An đã họp thông qua danh sách 13 người trúng cử ĐBQH khóa XIV (trong 23 ứng cử viên) được bầu tại Nghệ An. Trong 23 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV, tại nghệ An có bà Nguyễn Thị Vân Chi (Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) - phu nhân Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính Trung ương), ông Hồ Đức Phớc (Tổng Kiểm toán Nhà nước), ông Nguyễn Đắc Vinh (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An)…
Luật quy định bầu cử thêm trong trường hợp nào?
Với ĐBQH, trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng ĐBQH chưa đủ số lượng ĐB được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho ủy ban bầu cử ở tỉnh để đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.
Với ĐB HĐND, trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử ĐB HĐND chưa đủ 2/3 số lượng ĐB được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử ĐB HĐND ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.
Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng ĐB được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai.
(Theo Điều 79 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND năm 2015)