Trên thế giới, 2 khu vực lưu hành của sốt xuất huyết là Nam Mỹ và Đông Nam Á. Ngoài Singapore là "điểm nóng", Malaysia, Campuchia, Philippines và Việt Nam trong vài năm gần đây có sự bùng phát dịch khá cao.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, tại Việt Nam, 80% ca mắc và 100% ca tử vong ghi nhận tại khu vực phía Nam.
Sốt xuất huyết tại phía Nam chưa đạt đỉnh
Qua biểu đồ diễn tiến ca mắc theo tuần do Viện Pasteur TP.HCM tổng hợp, trong 4 tuần gần đây, ca mắc sốt xuất huyết chiếm 50% tổng số ca tích lũy từ đầu năm, tương tự, ca tử vong cũng chiếm 45%.
"Từ đầu năm đến nay, theo số liệu cung cấp từ các cơ sở y tế ghi nhận 36 ca tử vong do sốt xuất huyết. Số ca mắc, tử vong đang tăng rất nhanh trong 4 tuần đây", bác sĩ Lương Chấn Quang cho biết.
Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng cũng có chiều hướng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với 2 năm cùng kỳ (2020 và 2021). Chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM nhận định sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay chưa đạt đỉnh.
Phòng điều trị nội trú trẻ em mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu. |
Về tình hình tử vong, bác sĩ Quang cũng thông tin điểm bất thường là mọi năm, khu vực miền Tây chiếm 10% ca tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, mới 5 tháng đầu năm nay, số tử vong tại khu vực này đã lên đến 25%.
Ngoài ra, số trẻ em tử vong do căn bệnh này cũng cao hơn so với người lớn. Trong khi những năm trước, số lượng người lớn thường cao hơn.
Qua giám sát thường xuyên, bác sĩ Lương Chấn Quang nhận định type virus Dengue gây ra sốt xuất huyết năm nay vẫn là DEN-1, type DEN-2 giảm xuống đáng kể. Nhiều năm qua, ngành y tế không ghi nhận type DEN-3 lưu hành ở phía Nam.
Tuy nhiên, qua xét nghiệm PCR ngẫu nhiên ở 3 tỉnh, thành có dịch sốt xuất huyết "nóng" là Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai, type virus Dengue được phát hiện là DEN-2.
"Hiện chưa đủ bằng chứng để nhận định virus Dengue gây ra dịch sốt xuất huyết ở các điểm nóng là type nào, nhưng chúng tôi ghi nhận sự lưu hành cả 2 type là DEN-1 và DEN-2", bác sĩ Quang nói.
Chậu nước để ngoài tự nhiên trên phố ở quận Bình Tân (TP.HCM), có lăng quăng sinh sống. Ảnh: Bích Huệ. |
Chuyên gia này cũng cho biết qua giám sát, có những địa điểm ghi nhận mật độ muỗi rất cao trong một gia đình.
"Ca mắc sốt xuất huyết giai đoạn hiện nay đang tăng nhanh, type virus không thay đổi nhưng vector gây bệnh còn rất nhiều. Do đó, số ca tử vong sẽ còn tiếp tục tăng nếu không có giải pháp can thiệp phù hợp", bác sĩ Lương Chấn Quang khuyến cáo.
Lý do số ca tử vong tăng nhanh
Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, nhận định dịch sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao hơn mọi năm.
"Chỉ tính riêng tại TP.HCM, số ca mắc mới cao hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5, số ca bệnh nhập viện cao bằng tổng số tích lũy từ đầu năm. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao hơn người lớn", TS Dương cho biết.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến ca tử vong do sốt xuất huyết tăng cao hơn mọi năm, TS Ánh Dương cho biết qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết, đến bệnh viện/phòng khám tư nhân, đến khi chuyển nặng mới nhập viện.
TS Dương nhấn mạnh giai đoạn sau hạ sốt cần được cảnh báo. Khi bệnh nhân hết sốt, người nhà thường nghĩ rằng đã khỏi bệnh mà không theo dõi. Thực tế, đây là thời điểm nguy hiểm với bệnh nhân sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em.
Bé trai ở TP.HCM mắc sốt xuất huyết nặng, được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị qua cơn nguy kịch sau một tháng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau dịch Covid-19, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì cao hơn. Thực tế ghi nhận số lượng tử vong trên số trẻ thừa cân, béo phì rất cao. Sự xáo trộn nhân lực y tế sau 2 năm chống dịch Covid-19, trong khi nhân lực mới chưa kịp tập huấn và đào tạo.
Liên quan vấn đề chuyên môn, đại diện Bộ Y tế cho biết cơ quan này đưa ra các tiêu chuẩn khá đầy đủ nhưng trên thực tiễn, qua các hồ sơ bệnh án cho biết việc hội chẩn, chuyển viện, chỉ định chưa đúng theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Ngoài ra, vấn đề chuyển tuyến điều trị với ca bệnh có dấu hiệu chuyển nặng chưa thật sự tốt. Trường hợp sốt xuất huyết thông thường được chỉ định điều trị tại bệnh viện tuyến huyện.
Nếu biểu hiện sốc, cần lọc máu thì chuyển bệnh nhân đến tuyến tỉnh, trung ương. Tuy nhiên, TS Ánh Dương cũng đề nghị bệnh viện tuyến tỉnh cần đảm bảo đủ năng lực lọc máu, kịp thời giữ người bệnh ở lại điều trị trong tình huống khẩn cấp.
"Thực tế ghi nhận một số cơ sở tuyến tỉnh có vẻ lẩn tránh để chuyển tuyến. Có những ca bệnh chuyển viện làm mất đi thời gian vàng điều trị, nếu giữ lại, có thể đã được cứu sống", TS Ánh Dương nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhìn nhận công tác điều trị sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng đề nghị Cục quản lý khám, chữa bệnh phối hợp Cục quản lý Dược nhanh chóng mua dịch truyền cao phân tử để cung cấp cho các địa phương.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua muỗi vằn mang virus gây bệnh (muỗi Aedes aegypti). Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, nơi điều kiện môi trường không đảm bảo.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong tại TP.HCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1). So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp.