Sở Y tế Hà Nội cho biết, vừa xử phạt 30 triệu đồng đối với Bệnh viện Đa khoa Thường Tín (Hà Nội) vì sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa kém chất lượng. Máy này gắn mác của Đức nhưng một số bộ phận bên trong lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các máy xét nghiệm sinh hóa tự động đều có hồ sơ pháp lý đầy đủ, quy trình tiếp nhận máy móc đầy đủ 4 bước theo quy định. Kỹ thuật viên trực tiếp sử dụng khẳng định máy vẫn sử dụng tốt. Còn nguồn gốc xuất xứ cũng như “nội thất” bên trong của máy xét nghiệm còn nhiều vấn đề đáng phải quan tâm.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, tem nhãn của máy có ghi sản xuất từ tháng 5/2010, nước sản xuất là của Đức. Tuy nhiên, phía bên trong máy có tới ¾ quạt mát của máy và 5 mô tơ ghi "Made in China". Việc bảo trì, bảo dưỡng máy chưa đúng quy định và bệnh viện này phải thay thế.
Máy xét nghiệm sinh hóa tại BV Đa khoa Thường Tín có vỏ Đức, ruột Trung Quốc. Ảnh: Tiền Phong |
Trả lời câu hỏi “Tại sao máy hỏng hơn 1 năm mà không sửa, thanh tra sở có biết việc này?”, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội giải thích, không thay thiết bị và để máy hỏng hơn 1 năm là do bệnh viện gọi không đúng đơn vị cung ứng nên không có đủ trang thiết bị để sửa chữa.
Về tình trạng "vỏ máy của Đức, 'nội thất' của Trung Quốc" liệu có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, đại diện đơn vị cung ứng cho biết, máy xét nghiệm xuất hiện "tem mác" của nước thứ 3 không ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị. Một số linh phụ kiện dù được sản xuất tại nước thứ 3 nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng của nước sở tại.
Tuy nhiên, sau khi phóng viên đưa ra bằng chứng khẳng định lô máy xét nghiệm sinh hóa trên là hàng nhập lậu vào Việt Nam, đại diện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khoáng sản giải thích, không trực tiếp mua số lô máy móc trên mà thông qua một công ty khác và đã được một hội đồng chuyên môn kiểm định.
Tại buổi họp báo, đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin tới báo chí về kết quả kiểm tra 2 bệnh viện đang sử dụng loại máy vỏ ghi nhãn mác Đức, ruột mác Trung Quốc như: Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và Bệnh viện Đa khoa Thường Tín (Hà Nội).