Trong báo cáo gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Rượu bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng giải trình về việc tiếp nhận, bổ nhiệm ông Mai Văn Lợi giữ chức Giám đốc công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội (Halico).
Theo đó, vào ngày 12/10/2014, Halico nhận được đơn xin ứng tuyển vào vị trí Giám đốc công ty Halico của ông Mai Văn Lợi (một cán bộ cũ của ông Trịnh Xuân Thanh, từng làm Giám đốc Khách sạn Lam Kinh, và có thời gian công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Ông Lợi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chuyên ngành kinh tế.
Ông Lợi là “người phù hợp nhất”
Đến ngày 24/10/2014, tức là sau chưa tới 2 tuần, HĐQT Habeco ra nghị quyết trong đó có nội dung thống nhất giới thiệu ông Lợi tham gia quản lý điều hành tại công ty con Halico với chức danh Giám đốc.
Ngày 28/10/2014, Halico ra nghị quyết và quyết định của HĐQT về việc tiếp nhận và bổ nhiệm chức danh trên với ông Mai Văn Lợi.
Tại đại hội cổ đông bất thường của Halico ngày 21/11/2014, các cổ đông đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT công ty ký hợp đồng lao động với ông Lợi với tư cách Giám đốc điều hành không phải thành viên HĐQT.
Ngày 7/3/2015, cổ đông Diageo (chiếm 45,27% vốn góp của Halico) có văn bản đề nghị bầu và bổ nhiệm ông Lợi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT vì “ông Lợi là người phù hợp nhất để gánh vác trọng trách chiến lược này”.
Ông Mai Văn Lợi, Giám đốc Halico. Ảnh: Bizlive. |
Đến ngày 15/4/2015, HĐQT Halico chính thức ra nghị quyết thông qua việc ông Lợi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 3 (2016 - 2021) kể từ ngày 15/4/2016.
Lãnh đạo Habeco đánh giá, trong hơn 1 năm qua, ông Lợi đã xây dựng được sự hiểu biết vững chắc về hoạt động, định hướng chiến lược phát triển của Halico, dẫn dắt công ty bước đầu khôi phục được vị thế trên thị trường.
“Việc tiếp nhận, bổ nhiệm ông Mai Văn Lợi ở Halico thuộc thẩm quyền của HĐQT và ĐHĐCĐ Halico. Tổng công ty không can thiệp việc bổ nhiệm này”, lãnh đạo Habeco khẳng định tương tự như với việc bổ nhiệm con trai ông Trịnh Xuân Thanh.
Còn nhiều tranh cãi
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm trên gây nhiều tranh cãi do dưới sự lãnh đạo của ông Lợi, Halico từ một doanh nghiệp làm ăn đang có lãi lại trở thành doanh nghiệp đang thua lỗ ngày càng nghiêm trọng. Năm 2015, Halico lỗ hơn 21 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, công ty này lỗ hơn 13 tỷ đồng.
Trong thời gian ông Lợi làm giám đốc, ông đã ra quyết định mua nhiều ôtô trị giá từ 700 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, cho Văn phòng Bộ Công Thương mượn một chiếc Mercedes E250.
Ông cũng chịu trách nhiệm về một loạt quyết định gây tranh cãi liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Cụ thể, công ty chuyển 500 triệu đồng "ủng hộ" tỉnh Hậu Giang nơi ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch UBND vào thời điểm đó.
Giải trình về việc chuyển 500 triệu đồng “ủng hộ” tỉnh Hậu Giang, Habeco cho hay số tiền trên là để giải quyết khó khăn cho gia đình chính sách, người nghèo với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Trước đó, ngày 13/3/2015, Halico nhận được công văn từ Tỉnh ủy Hậu Giang về việc này.
Lãnh đạo Halico cho rằng hoạt động hỗ trợ từ thiện trên sẽ góp phần làm tăng uy tín thương hiệu của công ty, tạo điều kiện để công ty xúc tiến phát triển thị trường vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Trước khi chuyển tiền, Ban giám đốc, Ban chấp hành công đoàn của công ty này đã họp bàn, thống nhất trích tiền từ nguồn quỹ phúc lợi gần 201 triệu đồng và từ quỹ từ thiện 299 triệu đồng (tổng cộng 500 triệu đồng).
Đến nay số tiền trên đã được chuyển khoản cho tỉnh Hậu Giang. Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang đã gửi lại cho Halico chi tiết các nội dung chi số tiền trên.
Liên quan đến chiếc xe Mercedes E250 tiền tỷ của Halico được ông Mai Văn Lợi cho Văn phòng Bộ Công Thương mượn từ tháng 7/2015, theo nguồn tin mới nhất, Bộ Công Thương đã trả lại chiếc xe này cho công ty do “ít dùng đến”.
Nói về việc công ty con liên tục thua lỗ, lãnh đạo Habeco đỡ lời: “Đến ngày 20/1/2016, Halico mới áp dụng điều chỉnh tăng giá theo quy định để bù đắp phần nào chi phí tăng lên. Halico cũng đang có chủ trương thay đổi mô hình phân phối (dự kiến áp dụng vào nửa cuối năm 2016) nên Ban giám đốc không xây dựng các chương trình kích cầu từ đầu năm để giải quyết hết hàng tồn kho”.
Theo Habeco, doanh thu 6 tháng đầu năm của Halico giảm khoảng 60 tỷ đồng so với cùng kỳ tương ứng với lượng hàng tồn kho tại các nhà phân phối cùng kỳ năm trước.
Habeco cũng nói thua lỗ một phần do trình trạng trốn lậu thuế của các cơ sở tư nhân tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng. Công ty mẹ còn lấy lý do do ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu và khu vực giảm sút.