Kết thúc hơn nửa đầu năm, bức tranh tài chính, kinh doanh của tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN) tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực. Báo cáo tài chính của tổng công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 335,4 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, trong công tác sản xuất, biên lợi nhuận gộp đạt 24,92% trong nửa đầu năm nay, cải thiện 0,19 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018 nhờ các chi phí, dịch vụ mua ngoài được tiết giảm. Trong hoạt động tài chính, doanh thu chính ghi nhận mức tăng 25,6% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm gần 34%.
Đối với công tác quản lý, bán hàng, mặc dù tổng công ty thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, marketing cho chiến dịch thay đổi bộ nhận dạng thương hiệu và ra mắt sản phẩm bia mới trong quý II, lũy kế 6 tháng chi phí bán hàng vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ chi phí bán bàng trên doanh thu giảm xuống 12,5% từ mức 12,8% cùng kỳ.
Trong quý II, kết quả kinh doanh của Habeco cho thấy những chuyển biến rõ ràng. |
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu về đạt 240,8 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 237,1 tỷ đồng, tăng 18,3%. Đây ghi nhận quý có lợi nhuận tốt nhất kể từ quý IV/2017. Biên lãi gộp hợp nhất đạt 27,3%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành, nhất là các hãng bia ngoại không ngừng đầu tư mở rộng công suất, tốc độ tăng trưởng chung của ngành có dấu hiệu chậm lại. Điều này khiến thị trường bia trong nước chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Từ đó, có thể thấy việc lợi nhuận của Habeco lấy lại đà tăng trưởng thể hiện tính hiệu quả đến từ chiến lược kết hợp giữa quản trị tốt chi phí, song song với việc đổi mới sản phẩm, thương hiệu nhằm duy trì và tăng trưởng thị phần.
Habeco còn được nhà đầu tư đánh giá cao ở nền tảng tài chính mạnh. Tính đến cuối quý II, Habeco có quy mô tổng tài sản đạt 9.172 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền và tiền gửi có kỳ hạn đạt 3.826 tỷ đồng, chiếm 41,7%.
Cơ sở để Habeco tích lũy được lượng tiền lớn là nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh (HĐKD) thặng dư đều đặn qua các năm, đáp ứng nhu cầu đầu tư, chi trả cổ tức, nợ vay và vẫn còn tích lũy. Năm 2016, tổng công ty thu về dòng tiền HĐKD hơn 739,5 tỷ đồng, năm 2018 là 372,2 tỷ đồng, riêng nửa đầu năm nay là 294,7 tỷ đồng.
Lượng tiền lớn không chỉ đem lại số tiền lãi 140-160 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận, mà còn giúp tổng công ty sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trả nợ, đảm bảo khả năng thanh toán, đầu tư thay thế, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất và chi trả cổ tức cho cổ đông.
Mặc dù sở hữu lượng tiền lớn, Habeco hầu như không có hoạt động đầu tư dàn trải ngoài ngành. Tính đến ngày 30/6, công ty sở hữu 16 công ty con, 6 công ty liên kết và 2 đơn vị trực thuộc. Tất cả đều là các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh rượu, bia tại địa bàn các tỉnh, hoặc các hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất như vận tải, bao bì.
Bên cạnh đó, Habeco cũng duy trì quản lý vốn lưu động tốt, vòng quay vốn lưu động tăng từ 4,09 lần năm 2016 đạt 5,67 lần trong năm 2017 và năm 2018 đạt 7,82 lần. Giai đoạn 2017-2018, dù môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, vòng quay hàng tồn kho được giữ ổn định ở mức 7,7 lần, vòng quay khoản phải thu duy trì ở mức 23,7 lần. Tương ứng, thời gian lưu kho và phải thu bình quân lần lượt là 15 ngày và 47 ngày, phù hợp với trung bình ngành.
Từ tháng 5, Habeco chính thức hợp tác với FPT triển khai dự án “Giải pháp quản trị doanh nghiệp tổng thể SAP ERP”. Hệ thống quản trị nguồn lực này được Habeco triển khai trong các lĩnh vực xương sống của hoạt động doanh nghiệp, gồm kế toán tài chính, kế toán quản trị, quản lý mua hàng, quản lý kho, báo cáo tài chính hợp nhất, tích hợp... Trong đó, có những nghiệp vụ được triển khai theo đặc thù thực tế của Habeco như tính giá thành, quản lý bán hàng và đơn hàng nhà phân phối, quản lý két chai vỏ.
Dự án khi đi vào hoạt động sẽ giúp Habeco chuẩn hóa và tự động hóa quy trình quản lý và quy trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó giảm thiểu chi phí, tăng năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Đổi mới để duy trì vị thế và tiếp tục tạo ra giá trị cho khách hàng, cộng đồng và đất nước sẽ là nền tảng và kim chỉ nam để các doanh nghiệp dẫn đầu như Habeco tiếp tục vươn xa và thực hiện được sứ mệnh của mình.
Bình luận