Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội yêu cầu đóng cửa quán xá, phòng gym đến ngày 5/4

Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa trong 2 tuần, đến ngày 5/4, trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn.

Kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 25/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết chỉ trong thời gian rất ngắn, dịch Covid-19 đã lây lan ra 198 vùng lãnh thổ và các nước trên thế giới. Trong bài phát biểu dài 36 phút, ông Chung nhiều lần nhấn mạnh cụm từ “nguy cơ lây lan ngày càng lớn”, “thành phố đang tiềm ẩn nhiều rủi ro”…

Một lần nữa, tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội kêu gọi tất cả người dân nên ở nhà, không ra ngoài, trừ khi phải mua lương thực thực phẩm. Ông yêu cầu tất cả quán bar, karaoke, cà phê, nhà hàng, phòng gym… phải dừng hoạt động, bất kể nội hay ngoại thành.

"Trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn, còn lại tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa trong 2 tuần, đến ngày 5/4", Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu.

Xuất hiện lây nhiễm nội địa

Theo ông Chung, một số nước đã sử dụng đến giải pháp “thiết quân luật”, cho đóng băng toàn bộ xã hội. Ví dụ Ấn Độ cho đóng băng 21 ngày đối với 1,3 tỷ dân.

“Chúng ta cũng phải thống nhất biện pháp cách ly và ngăn chặn nguồn lây lan rất quan trọng”, ông Chung nhấn mạnh và cho biết thêm đến nay ghi nhận 134 ca nhiễm Covid-19 và còn nhiều người có nguy cơ mắc virus corona.

nguy co dich Covid-19 bung phat o Ha Noi anh 1

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: H.T.

Đáng lo ngại, nguy cơ lây nhiễm nội địa bắt đầu xuất hiện và trở thành ổ dịch có nguy cơ bùng phát. Đầu tiên là ổ dịch ở Trúc Bạch (Hà Nội), hai là ở Bình Thuận với 9 ca lây nhiễm chéo, ba là quán Buddha ở TP.HCM và bốn là ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - đang diễn biến rất phức tạp.

Cá biệt có một số nơi, bệnh nhân là người đến từ vùng dịch, vào Việt Nam du lịch, đi lại trong cộng đồng từ ngày 8/3 đến nay mới phát hiện dương tính với Covid-19.

Nếu như giai đoạn 1, Việt Nam chỉ xác định một nguồn lây từ Trung Quốc thì bước sang giai đoạn 2, nguồn lây đến từ các nước đang có dịch như châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á… “Bởi vậy, nguy cơ tiềm ẩn giai đoạn tới sẽ ngày càng phức tạp, nguy cơ lây lan ngày càng lớn”, ông Chung nhận định.

Đó là chưa kể đến việc hầu hết quốc gia có đường biên giới với Việt Nam đã có dịch bệnh. Vì vậy, giai đoạn sắp tới tình hình được Chủ tịch Hà Nội nhận định là hết sức phức tạp, có nguy cơ và chiều hướng lây lan trong cộng đồng lớn hơn.

Có thể còn nhiều người dương tính chưa được phát hiện

Thực hiện nhiệm vụ rà soát tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam đến trước ngày 10/3, Chủ tịch Hà Nội thông tin sơ bộ đã xác định được 3.042 người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài vào Hà Nội; cơ quan y tế đã lấy mẫu xét nghiệm được 2.128 người và phát hiện có 4 trường hợp dương tính với Covid-19.

Nếu tính theo tỷ lệ này, ông Chung cho biết Hà Nội còn ít nhất 8-12 trường hợp dương tính mà chưa kịp phát hiện hoặc đang chờ kết quả.

Còn nếu theo tỷ lệ trung bình trên thế giới, cứ 1 người lây cho 2,4 người, thì hiện nay ở Hà Nội dự đoán có khoảng 20 người dương tính Covid-19.

“Đến nay, bệnh dịch đang có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng ngày càng lớn, cửa an toàn ngày càng hẹp vì trên địa bàn đã có ổ dịch mang tính chất rất phức tạp đang tiềm tàng, phát triển”, Chủ tịch Hà Nội nhận định.

nguy co dich Covid-19 bung phat o Ha Noi anh 2

Các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam trước khi có lệnh dừng nhập cảnh được rà soát, lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Việt Linh.

Nguy cơ này xuất hiện, ông Chung cho rằng một phần do người dân không thực hiện nghiêm các yêu cầu như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người.

Ông cho biết khi ra đường vẫn thấy nhiều người không đeo khẩu trang, và như hôm qua, vẫn có tụ tập đông người để cúng lễ mùng 1.

Dẫn thực tế tại các nước khi có ổ dịch xuất hiện ở chợ, bệnh viện, viện dưỡng lão, sự kiện thời trang hay sự kiện tôn giáo,… ông Chung nhận định ở Hà Nội có đầy đủ các yếu tố này, từ việc sinh hoạt đông người ở quán bar, hội thảo hay xuất hiện nguồn nhiễm từ bệnh viện.

Theo ông Chung, hiện có 4 nguồn lây nhiễm lớn. Một là lây nhiễm chéo, xuất phát từ ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai. Hai là nguồn khách du lịch về Việt Nam trước khi có quyết định dừng nhập cảnh.

Ba là nguồn lây trong nước từ trường hợp của bệnh nhân số 86 đi du lịch Côn Đảo về, sau đó lây cho một số người ở trong nước. Bốn là nguồn y tá, bác sĩ liên quan đến quy trình khám chữa bệnh và cách ly những người dương tính với Covid-19.

Nhắc đến trường hợp nam bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 bị nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, ông Chung cho biết đến nay, bệnh viện này mới tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân mắc Covid-19 mà đã có bác sĩ bị lây, nếu theo kịch bản với hơn 1.000 ca nhiễm được đưa vào đây, sẽ có vài chục nhân viên y tế nhiễm bệnh trong trường hợp không được chuẩn bị tốt.

Vì thế, Chủ tịch Hà Nội đề nghị tất cả y tá, bác sĩ tham gia vào quá trình khám chữa bệnh hay lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 phải được tổ chức ăn ở tập trung, đến khi bệnh nhân cuối cùng âm tính vẫn phải cách ly thêm 14 ngày mới được về cộng đồng.

Cửa an toàn dần khép lại nếu người dân không nghe khuyến cáo

So với các nước, ông Chung cho rằng ta có lợi thế hơn Vũ Hán và châu Âu vì tỷ lệ đeo khẩu trang ở Việt Nam lớn, nhưng việc đi lại nhiều và tập trung đông đúc vẫn còn nên nguy cơ lây nhiễm hiện nay vẫn rất lớn.

“Dự báo, không loại trừ những ngày tới tiếp tục có thêm nguồn lây nhiễm mới phát hiện tại cộng đồng, rất có thể là từ Bệnh viện Bạch Mai”, ông Chung nói.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Chủ tịch Hà Nội đề nghị tất cả cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đóng cửa đến 5/4. Người dân nếu bắt buộc ra ngoài phải đeo khẩu trang. Thành phố cũng tính phương án chỉ để 20% xe buýt phục vụ đi lại và vẫn khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng xe công cộng.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đã quyết định chuyển 312 trường hợp F1 đang nằm tại các bệnh viện của thành phố lên Láng - Hòa Lạc để cách ly phòng ngừa, còn tất cả bệnh viện phải sẵn sàng kích hoạt tiếp nhận bệnh nhân dương tính.

“Hiện nay, thành phố tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, cửa an toàn khép dần lại, nhưng nếu mọi người nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo thì không có điều kiện để dịch bệnh lây lan”, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ.

Còn nếu mọi người vẫn ra đường không đeo khẩu trang, tụ tập, ngồi uống cà phê ở quán thì nguy cơ dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Dẫn lời Thủ tướng về 1-2 tuần tới là thời gian quyết định có chiến thắng dịch bệnh hay không, ông Chung cho rằng nếu ngăn chặn được dịch thì con đường an toàn sẽ rộng mở. Ngược lại, cánh cửa an toàn sẽ dần hẹp lại.

Với quyết định đóng cửa tất cả cơ sở không thiết yếu, Chủ tịch Hà Nội trấn an người không “không có gì phải hoảng loạn”, bởi thành phố cam kết đủ thực phẩm cung cấp cho người dân, thậm chí còn dư vì nguồn cung cấp cho các nhà hàng, sân bay đang bị ngưng lại.

Chủ tịch Hà Nội: 'Nguy cơ kép ở Bệnh viện Bạch Mai'

Ông Nguyễn Đức Chung bày tỏ lo ngại trước các ca mắc Covid-19 cũng như nguy cơ "kép" từ Bệnh viện Bạch Mai. Nơi đây hiện cách ly hơn 200 nhân viên y tế và bệnh nhân.

Hoài Thu - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm