Hà Nội xử phạt nhiều nhà xây dựng không phép
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về quản lý trật tự xây dựng (TTXD), 1/2-2/3 số vụ vi phạm trật tự xây dựng là xây dựng không phép và tình trạng này diễn ra ở hầu hết các quận, huyện.
>> Tràn lan nhà sai phép, không phép ở TP.HCM
>> Bộ trưởng tài nguyên - môi trường đối thoại về cưỡng chế đất đai
Báo cáo cho biết, tính từ ngày 1/1/2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.700 trường hợp vi phạm TTXD. Trong đó, mới cưỡng chế phá dỡ được 601 công trình (gần 1/3 số vụ vi phạm) và có tới 1.036 trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất công. Trong đó, ở khu vực nội thành, quận nào cũng có vi phạm TTXD, chỉ ít hoặc nhiều mà thôi.
“Đứng đầu bảng” về số vụ vi phạm TTXD là quận Hai Bà Trưng với 31 trường hợp, trong đó có 17 vụ xây dựng không phép và số vụ tồn đọng (đang giải quyết) là 19; tiếp đó là quận Ba Đình (25, 13, 22); thứ ba là quận Thanh Xuân (16, 9 và 16).
Số liệu này cho thấy, dù chỉ xếp thứ ba về số vụ vi phạm TTXD, nhưng quận Thanh Xuân có bao nhiêu vụ thì vẫn tồn đọng bấy nhiêu vụ (16 vụ).
Đặc biệt, ở các huyện số vụ vi phạm TTXD lên gấp 10 lần so với các quận.
Chung cư Sakura từng bị phạt 500 triệu đồng vì xây dựng không phép |
Huyện “đứng đầu” danh sách này là Quốc Oai với 382 trường hợp, trong đó có tới 381 trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất công và đất quốc phòng. Hiện, huyện này đã cưỡng chế được 217 trường hợp, 5 trường hợp dân tự phá dỡ và còn tồn đọng 160 trường hợp.
Huyện Sóc Sơn đứng thứ hai với 290 trường hợp xây dựng không phép và đang tồn đọng 68 trường hợp. Còn huyện Từ Liêm cũng có 151 trường hợp vi phạm TTXD. Dù đứng ở vị trí thứ ba, nhưng huyện này đã cưỡng chế và yêu cầu các gia đình tự phá dỡ khá nhiều, nên chỉ tồn đọng 13 trường hợp.
Một số huyện có số vụ vi phạm TTXD tuy ít hơn huyện Từ Liêm, nhưng số vụ tồn đọng lại nhiều hơn như các huyện Hoài Đức (81 trường hợp), Phú Xuyên (74 trường hợp), Mê Linh (66 trường hợp), Thường Tín (55 trường hợp)...
Điều đáng nói, ở các huyện, việc vi phạm TTXD chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp. Riêng huyện Ba Vì có 38 trường hợp xây dựng không phép, nhưng tới 37 trường hợp vi phạm quy hoạch và lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Cả 38 trường hợp này hiện vẫn thuộc diện tồn đọng.
Trong báo cáo cũng không chỉ ra nguyên nhân và số vụ việc đã giải quyết. Việc xây dựng không phép là vấn đề lớn và câu hỏi luôn được dư luận thắc mắc là tại sao một công trình xây dựng lớn và công khai như vậy, mà cơ quan chức năng không hề hay biết?
Trước đó, hồi tháng 10/2011, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản xử phạt chủ đầu tư công trình tổ hợp Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng, Hà Nội số tiền 500 triệu đồng vì hành vi xây dựng không phép.
Công trình 21 tầng này là tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại khởi công từ cuối năm 2009 tại 47 phố Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), có tổng diện tích đất hơn 2.668 m2, diện tích đất xây dựng là 1.288 m2 tương ứng mật độ xây dựng đến 48,2%, chiều cao tòa nhà là 86,4 mét. Sau hơn 1 năm thi công, đến nay công trình đã hoàn thành phần thô và đang dừng... chờ cấp phép xây dựng.
Theo VTC News