Dự án đã được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 9/2019, có tổng mức đầu tư 9.577 tỷ đồng (tương đương 420 triệu USD). Hai đơn vị cùng đầu tư dự án là Công ty Global Consultant Network Co.Ltd (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.
Tổng diện tích dự án 125 ha, gồm: 99,5 ha xây trường đua ngựa, 1,5 ha xây khách sạn 3 sao, 0,5 ha xây trung tâm thương mại và hội nghị, 1ha xây khu biệt thự cho thuê nghỉ dưỡng, và khoảng 22,5 ha hồ điều hòa. Với tiến độ thực hiện đến quý 1/2024.
Dự án trường đua ngựa được hứa hẹn mang về nguồn thu cho thủ đô. Ảnh minh họa: Getty. |
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng trường đua ngựa, tổ chức hoạt động đua ngựa, tổ chức đặt cược đua ngựa, tổ chức đại lý đua ngựa bên ngoài đường đua, buôn bán nhập khẩu ngựa.
Sau gần 3 năm được cấp phép đầu tư, đến nay dự án trường đua ngựa Sóc Sơn không thể triển khai do gặp phải hàng loạt vướng mắc trong công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.
Dự án do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, do vậy, theo Luật đất đai, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.
Theo UBND TP, để thực hiện dự án cần có doanh nghiệp trong nước (tổ chức kinh tế) đứng ra nhận quyền sử dụng đất từ người dân hai xã Tân Minh, Phù Linh, và góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án.
UBND Hà Nội cho rằng việc thực hiện dự án đầu tư có quy mô lớn lên tới 125 ha bằng hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Mặt khác, theo Luật đất đai hiện nay, dự án trường đua ngựa Sóc Sơn không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, UBND Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án trường đua ngựa Sóc Sơn.