Phối cảnh tháp tài chính cao 108 tầng ở Đông Anh, Hà Nội. |
Căn cứ quy hoạch được duyệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng việc xây dựng công trình Tháp tài chính cao 108 tầng thuộc dự án Thành phố thông minh là phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội tán thành và ủng hộ về chủ trương việc nghiên cứu thiết kế công trình Tháp tài chính cao 108 tầng thành tổ hợp công trình mang tầm cỡ quốc tế (theo báo cáo đề xuất của Công ty), góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam với thế giới.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Văn bản số 460/UBND-ĐT về việc chiều cao tĩnh không công trình Tháp tài chính 108 tầng tại dự án đầu tư Thành phố thông minh, huyện Đông Anh (Hà Nội), được UBND thành phố Hà Nội gửi Bộ Giao thông vận tải để xin ý kiến mới đây.
Theo nội dung văn bản trên, triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 cùng các văn bản liên quan của nhiều cấp có thẩm quyền về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Thành phố thông minh thuộc xã Hải Bối, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với mục tiêu tạo lập, xây dựng khu đô thị mới thông minh, đồng bộ dọc trục Nhật Tân - Nội Bài, phát triển các trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ cao tầng, hiện đại. Theo đó, xác định xây dựng công trình Trung tâm tài chính thương mại, hỗn hợp cao 108 tầng tại khu đất có quy mô diện tích 133.279 m2.
Hiện nay, Công ty CP Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (là Tổ chức kinh tế thực hiện dự án) đang triển khai các thủ tục đầu tư dự án Trung tâm tài chính thương mại, hỗn hợp nêu trên (Tháp tài chính) với quy mô công trình cao 108 tầng, chiều cao dự kiến 639 m với mục tiêu trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Văn bản UBND thành phố Hà Nội đã viện dẫn báo cáo của Công ty CP Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, công ty đã liên hệ với Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu để xin chấp thuận độ cao tĩnh không của công trình Tháp tài chính theo quy định của Nghị định 32 /2016/NĐ-CP ngày 6/5/2016 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời Việt Nam và đã được Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu lấy ý kiến của Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân và Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân đã có Công văn số 6259/BTM-QLĐHB ngày 18/12/2023; trong đó, có ý kiến: Công trình 639 m tại khu đất thuộc dự án Thành phố thông minh không ảnh hưởng tới hoạt động bay của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng như không ảnh hưởng đến hành lang diễu binh, duyệt binh Ba Đình.
Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 7442 CHK-QLHĐB ngày 25/12/2023, trong đó có ý kiến qua kiểm tra đánh giá sơ bộ, chiều cao của công trình (3.3.4-TTTC TM) là 639 m trên cốt đất 7,25 m không ảnh hưởng đến các bề mặt giới hạn chướng ngại vật tại sân bay Nội Bài; tuy nhiên, công trình này ảnh hưởng đến các phương thức bay hàng không dân dụng tại sân bay Nội Bài hiện hữu...;chướng ngại vật này còn ảnh hưởng đến các sơ đồ độ cao tối thiểu phân khu (MSA) và sơ đồ độ cao tối thiểu giám sát phân khu (MVA). Độ cao không ảnh hưởng đến hệ thống phương thức bay hiện hữu tại sân bay Nội Bài là 354 m.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét tính chất quan trọng của công trình, trường hợp vẫn quyết định xây dựng công trình này thì yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và đo đạc liên quan phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Hàng không Việt Nam cùng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam rà soát, bổ sung độ chính xác các số liệu đầu vào (đặc biệt là các mốc toạ độ của công trình cần cung cấp thêm số liệu đơn vị thập phân của giây) để có phương án nghiên cứu sâu, đánh giá tác động, tính toán chi tiết và xem xét độ cao của công trình hay điều chỉnh hệ thống phương thức bay liên quan tại sân bay Nội Bài (bao gồm hiện trạng và dự kiến theo quy hoạch).
Để có cơ sở cho Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu chấp thuận độ cao tĩnh không công trình Tháp tài chính và Công ty CP Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp với Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá phương án chiều cao tĩnh không dự kiến xây dựng Tháp tài chính 108 tầng và các yêu cầu kỹ thuật có liên quan.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên về nội dung xây dựng tòa Tháp cao 108 tầng đáp ứng các tiêu chí quy hoạch nhưng thành phố vẫn phải xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố Hà Nội cho biết vì quy định an toàn bay.
Ngày 11/11, tại huyện Đông Anh, Công ty Đầu tư Phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội là liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã chính thức công bố triển khai Thành phố thông minh Bắc Hà Nội.
Thành phố thông minh Bắc Hà Nội thực hiện có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD trên tổng diện tích gần 272 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (Đông Anh).
Thành phố thông minh Bắc Hà Nội sẽ áp dụng những tinh hoa của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên thế giới, hướng tới một mô hình thành phố bền vững nhờ sống xanh và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Thành phố thông minh Bắc Hà Nội được xây dựng trên 4 giá trị cốt lõi đó là "Tương lai - Kết nối - Trong lành - An toàn" và áp dụng 6 giải pháp thông minh bao gồm: năng lượng thông minh, di chuyển thông minh, quản lý thông minh, cuộc sống thông minh, sức khỏe và học tập thông minh, và cuối cùng, kinh tế thông minh.