Lứa cầu thủ Thể Công thời kỳ đầu. |
Bóng đá có sức hút thật đặc biệt, và hiệu ứng cộng hưởng niềm vui làm mọi người dân Việt ngỡ như chưa bao giờ được vui đến thế.
Thực tế đối với người Việt Nam, niềm vui với môn bóng đá đã có từ những ngày xa xưa, và không chỉ dồn lại trong những ngày đội tuyển thi đấu.
Những năm 60-70 thế kỷ trước, bóng đá đã như một thứ tôn giáo để gắn kết mọi người, và nó lan tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm.
Năm 1954, dân số Hà Nội chỉ có 53.000 người trên diện tích đất 152 km2. Năm 1961 mở rộng Thủ đô lần một, Hà Nội mới đạt con số 91.000 người. Mãi đến năm 1978, mở rộng Thủ đô lần hai với diện tích đất 2.136 km2, dân số Hà Nội mới đạt con số hơn 2 triệu người. Vậy mà thời gian đó Hà Nội có số đội bóng đá và những người chơi bóng đá gấp nhiều lần con số như hiện nay.
Hạng A có các đội Công an Hà Nội, Thể Công, Tổng cục Bưu điện, Đường sắt Việt Nam, Quân khu Thủ đô, Phòng không Không quân, Xây dựng Hà Nội, Thanh niên Hà Nội, Thanh niên Bộ công an và phải tính cả Trường huấn luyện cũng đang nằm trên địa bàn Thủ đô.
Hạng B và hạng C (thứ hạng không rạch ròi như bây giờ, đơn vị nào thành lập đội thì đăng ký để thi đấu và tranh giải) có đội: Đo lường, Xe ca, Xe điện, Toa xe Hà Nội, Đúc Mai Lâm, Bốc vác ga, Thủ công nghiệp, Tổng cục Địa chất, Tổng cục Thuế, Vôi Ba nhất, HTX Phương đông 4, Bộ Ngoại giao, Sở Điện… Thấp hơn tí chút là những đội tuy không tham gia đấu giải nhưng rất đông người tham gia như: Xã Đàn, Hoàng Mai, Long Biên, Nhà kèn…
Số lượng những đội này khó thống kê trong một bài viết nhưng anh tài của các đội này đều được giới mộ điệu Hà Nội và cả nước biết tên như ông Chung “Xe ca”, ông Hà Bôn Bộ Ngoại giao, ông Căn “con” Thủ công nghiệp, ông Thành “lùn” Tổng cục Thuế…
Những ngày ấy, ở mọi ngõ ngách của Hà Nội, gần như đề tài duy nhất của các cuộc tụ hội là nói về đá bóng.
Sân Mangin (Cột cờ) và nhất là sân Hàng Đẫy khi có trận bóng đá là mọi người đã phải chạy vạy để lo kiếm vé vào xem.
Từ thứ tư khi vé được phát hành, ai có trên tay chiếc vé là an tâm và được mọi người xung quanh ngưỡng mộ.
Có những người có vợ cận ngày sinh cũng bỏ đấy để đi xem đá bóng nên nhiều lần ban tổ chức sân phải phát loa thông báo, ông a, b, c về nhà ngay, vợ đẻ.
Những ngày này ông Lê Mai ở Sở Thể dục Thể thao Hà Nội oai như ông hoàng, ai cũng phải cầu cạnh. Ông chơi thân với ông Lê Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công an phụ trách đội bóng Công an Hà Nội. Khi ông Lê Nghĩa đến xin thêm vé vì nhu cầu đột xuất, ông sai nhân viên ra báo mình không có mặt ở cơ quan.
Hồi ấy các cán bộ khỏe mạnh của Sở TDTT Hà Nội có đặc ân mà mọi ngành khác đều thèm muốn là được phân công phục vụ trận đấu, bất kể công việc gì. Khâu soát vé vốn khốc liệt nên Sở phải điều cả võ sĩ Hoàng Kiềm nổi tiếng cùng đội tuyển Quyền Anh tham gia giữ cửa và soát vé.
Ấy thế mà vẫn có chuyện nhóm soát vé bị nhà văn Nguyên Hồng “lừa” để vào sân. Ông Nguyên Hồng không có vé xem trận đội Hải Phòng lên Hàng Đẫy đá, ông vẫn cứ điềm nhiên đi vào và bảo: “Tôi vào với con tôi là Hùng “xồm” ở đội Hải Phòng”. Mọi người còn đang ngơ ngác thì ông đã kịp bám theo những người có vé lên khán đài.
Sân Hàng Đẫy thời trước tường thấp nên toàn bị dân nghiền bóng đá trèo tường nhảy vào. Công an ùa ra đứng chặn thì họ cứ ngồi vắt vẻo trên bờ tường để xem chui. Dãy nhà ngoài sân bên phía Nguyễn Thái Học bị mấy chục người trèo lên xem chui đã đổ sụp khi đang diễn ra trận đấu. Bụi khói trùm lên như một trận bom.
Những nơi trên phố lắp loa phóng thanh công cộng, dân tình đứng vòng trong vòng ngoài, nghe như nuốt từng lời ông bình luận viên Đình Khải hay Hoài Sơn tường thuật trận đấu trên sân Hàng Đẫy. Có người tai nghễnh ngãng, cố leo cao gần với loa để nghe cho rõ.
Tình yêu bóng đá thuở ấy nó thánh thiện và những người làm bóng đá hồi ấy cực kỳ trong sạch. Cán bộ quản lý không hề có chuyện tuồn vé ra chợ đen. Mấy bà phe vé (chuyện muôn thuở) mua của những người nhỡ việc không xem, mà mỗi bà cũng chỉ vài cái vé phe phẩy trên tay để kiếm mớ rau.