Tắc đường không tránh khỏi
Vấn đề ùn tắc giao thông được đề cập nhiều nhất trong giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay.
Phó giám đốc Sở giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Tân cho hay: “Thời tiết vào thu, mưa nhiều hơn cùng với các công trình xây dựng (trên 120 điểm đang thi công) góp phần làm cho tình hình giao thông ở Hà Nội phức tạp thêm. Việc kinh doanh buôn bán bánh Trung thu cũng gây ảnh hưởng đến giao thông thủ đô”.
Phó giám đốc Sở GTVT cho biết thêm, bình thường, đường Hà Nội vẫn bị ách tắc vào giờ cao điểm. Đặc biệt là ở tuyến Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến nay lại có các công trình đang thi công nên diện tích đường dành cho giao thông chỉ còn 6 m, không thể đáp ứng nổi lưu lượng lưu thông lớn.
Sở GTVT Hà Nội đã có nhiều động thái để tìm phương án giảm tải ùn tắc. Chiều thứ 7 (12/9) vừa qua, sở đã thí điểm biện pháp giảm ùn tắc tại ngã tư Khuất Duy Tiến nên địa điểm này không bị ùn tắc lâu. Tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy cũng đã áp dụng nhưng kết quả chưa ổn.
Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, với việc có nhiều công trình đang thi công, Hà Nội khó tránh khỏi tắc đường. |
Trả lời báo chí về những giờ cao điểm, ùn tắc giao thông tại một số điểm nóng lực lượng chức năng không có mặt hướng dẫn phân làn, điều tiết giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, không thể phân bố lực lượng đáp ứng tại các điểm nóng cùng một lúc.
“Chỉ cần mưa dưới 60 mm đã có 23 điểm ùn tắc. Lực lượng CSGT không đáp ứng được hết các điểm. Ngoài CSGT, chúng tôi còn huy động cả lực lượng dân phòng, thanh niên tình nguyện… để tham gia điều tiết”.
Ông Tân nói, điều quan trọng nhất là mỗi người tham gia giao thông phải có ý thức trách nhiệm khi đi đường, kiên nhẫn, nhường nhịn giao thông mới có thể giảm tải ùn tắc.
Tăng mức phạt, giao thông trật tự hơn
Trong buổi giao ban, dự thảo sửa đổi nghị định 171 tăng mức xử phạt với những người vi phạm trật tự ATGT do Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến cũng được đề cập.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tân, nhấn mạnh: “Sửa đổi nghị định 171 và 107 là cần thiết. Tăng mức xử phạt để người nghèo chấp hành cho nghiêm, giàu mà chơi ngông thì tăng mức xử phạt để tăng ngân sách cho thành phố, nhà nước. Thông qua xử phạt người tham gia giao thông sẽ có phản xạ có điều kiện, tức là phạt nhiều, tình hình ATGT sẽ trật tự hơn.
Người ít tiền xử phạt cao sẽ lo sợ, từ đó chấp hành tốt hơn. Chúng ta lúc nào cũng dựa vào các tiêu chí 'nghèo, ít tiền, phương tiện nhỏ' để xử phạt ít, như thế vi phạm ngày càng nhiều. Chỉ có điều là chúng ta nên tách bạch hành vi và các đối tượng xử phạt chi tiết hơn”.
Trước tình hình giá xăng giảm sâu nhưng cước vận tải của các doanh nghiệp như taxi vẫn án “binh bất động”, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, cước vận tải đã giảm. Cụ thể, tính đến ngày 1/9 có 39/89 đơn vị (chiếm 44%) giảm giá cước từ 4-10%. Xe buýt cũng phải giảm cước.