Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, những năm gần đây Hà Nội xuất hiện nhiều tình trạng xe hợp đồng “lách luật” chạy tương tự như xe tuyến cố định, là nguyên nhân gây ùn tắc và mất ATGT.
Số liệu rà soát của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho thấy hiện có khoảng 22 tỉnh, thành phố có xe hợp đồng Limousine thường xuyên hoạt động liên quan đến Hà Nội gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Thái Bình.
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Hà Nội, cho biết thêm hiện trên địa bàn có khoảng 655 tuyến vận tải cố định liên tỉnh, 450 đơn vị vận tải với hơn 4.000 phương tiện hoạt động.
Trong khi đó, số lượng xe hợp đồng cao lớn hơn gấp nhiều lần. Đó là chưa tính đến khoảng 46.00 xe hợp đồng và xe du lịch (trong đó, có hơn 31.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ, bao gồm xe của các đơn vị tham gia thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT là hơn 16.000 xe).
Các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định mong muốn Hà Nội dẹp xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng. |
Tại buổi tiếp xúc, các doanh nghiệp tuyến cố định bày tỏ mong muốn được tháo gỡ khó khăn, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86 để phân biệt rạch ròi giữa các loại hình vận tải.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty CP xe khách Hà Nội, bày tỏ: "Nhiều doanh nghiệp tuyến cố định đang phải lao đao, thậm chí phải đóng tuyến vì không hoạt động được do xe dù, bến cóc, các loại hình xe hợp đồng trá hình hoạt động ngày càng rầm rộ. Trong khi chờ chuẩn hóa về quy định vận tải, chúng tôi mong muốn Sở GTVT Hà Nội có biện pháp quyết liệt hơn để dẹp xe dù bến cóc, xe Limousine, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh".
Khẳng định tới đây sẽ đề xuất mở các tuyến buýt kế cận thay các tuyến cố định dưới 100 km để ngăn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng phân rõ trách nhiệm đối với các lực lượng của Thanh tra Sở GTVT, CSGT, CSTT, công an quận, công an phường và UBND các phường, xã. Cùng đó sẽ xây dựng quy chế gắn trách nhiệm của các lực lượng khi để tồn tại, phát sinh, tái diễn tình trạng vi phạm của xe khách, văn phòng đại diện, bến bãi… vi phạm các quy định về trật tự ATGT trên địa bàn quản lý.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an phường, quản lý đô thị tổ chức rà soát, dẹp bỏ các hàng quán ven đường, xung quanh các khu vực bến xe là nơi tập kết hàng hoá, hành khách chờ phương tiện", ông Viện nói.