Ngày 23/2, Phó chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Lưu Quang Huy ký ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại buổi làm việc về công tác cắt tỉa cây xanh và trồng mới thay thế trên các tuyến phố.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã dừng toàn bộ việc đấu thầu, quản lý cây xanh giai đoạn 2016 - 2020.
Việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh tại Hà Nội vào năm 2015 đã bị dư luận phản ứng dữ dội khi nhiều cây xanh lâu đời bị đốn hạ. Ảnh: Lê Hiếu. |
Sở Xây dựng phải thống kê toàn bộ dự án, công việc liên quan đến cây xanh, thảm cỏ từ năm 2011 đến 2016, báo cáo UBND thành phố.
Còn Sở Nội vụ phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức lại bộ máy của công ty theo hướng thành lập các xí nghiệp chuyên nghiệp.
"Sau khi cơ cấu lại, các đơn vị bố trí cán bộ quản lý, nghiệp vụ đi học kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh ngắn hạn tại Singapore, Trung Quốc", công văn nêu rõ.
Trước mắt, thành phố giao toàn bộ việc cắt tỉa cây xanh trên địa bàn 12 quận cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện, đảm bảo mỹ quan đô thị.
“Việc trồng cây mới, cây thiếu, thay thế cây cong, cây mục nát phải được thực hiện xong trong đêm. Những tuyến phố có cây tuổi từ 10 năm trở lên, khi thay mới phải đảm bảo cây có đường kính tương ứng, đánh chuyển những cây không đúng chủng loại cây đô thị ra trồng ở công viên Hòa Bình. Toàn bộ chi phí tính theo cơ chế thị trường”, thông báo nêu rõ.
Năm 2015, TP Hà Nội đã xử lý nhiều cán bộ cấp Sở và cấp phòng trong việc thay thế chặt hạ 6.700 cây xanh.
Thanh tra Chính phủ nhận định, dự án thay thế 6.700 cây xanh tại Hà Nội “có nhiều vấn đề chưa minh bạch, rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm khoản 2, điều 14 Luật Thủ đô và khoản 1, điều 14 Nghị định 64/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị, gây bức xúc dư luận nhân dân".
Theo nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, thiếu sót tồn tại trong việc thay thế cây xanh vừa qua là không đáng có và rất đáng tiếc.