Dự thảo Nghị quyết "Quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001 có hiệu lực", sẽ được UBND Hà Nội trình thông qua tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP vào đầu tháng 7/2017.
Theo dự thảo, Nghị quyết áp dụng với nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác (gọi tắt là cơ sở).
Nhà cao tầng phải có bãi đỗ cho xe thang
Theo đó, cơ sở đã đưa vào hoạt động nhưng có điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ công năng sử dụng phải kiểm tra sự phù hợp với thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, đồng thời thiết kế bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), hệ thống kỹ thuật khác có liên quan về PCCC phù hợp với phần điều chỉnh công năng.
Về giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các cơ sở đảm bảo ít nhất một lối cho xe chữa cháy tiếp cận đến công trình. Cơ sở thuộc loại hình nhà nhiều tầng, nhà cao tầng đảm bảo bố trí ít nhất một bãi đỗ cho xe thang, xe có cần nâng với diện tích tối thiểu 6 m x 12 m để có khả năng tiếp cận đến các gian phòng trên cao.
Cơ sở thuộc loại hình nhà kho, xưởng sản xuất trường hợp yêu cầu tối thiểu phải đảm bảo có lối tiếp cận cho xe chữa cháy từ cả hai bên theo toàn bộ chiều dài công trình mà không đáp ứng được thì xem xét đến khả năng tiếp cận thông qua đường giao thông nội bộ của công trình liền kề.
Hà Nội sẽ di dời các kho chứa khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy nổ ở khu dân cư, nơi đông người. Ảnh: CTV. |
Về lối ra thoát nạn, dự thảo quy định đảm bảo công trình có ít nhất hai lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp từ mỗi tầng nhà.
Đối với các công trình kiểu nhà ống được chuyển đổi từ nhà ở gia đình sang loại hình cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, khách sạn, massage, karaoke… chỉ bố trí được một thang bộ phải yêu cầu thiết kế bổ sung thêm lối ra thoát nạn thứ hai để thoát hiểm khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ.
Thu hồi giấy phép kinh doanh cơ sở không chấp hành
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định việc xử lý đối với cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người.
Chủ cơ sở không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, chủ động xây dựng phương án di chuyển và thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch được phê duyệt
Trong thời gian chờ di chuyển, cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; trang bị bổ sung phương tiện, hệ thống PCCC.
Về tổ chức thực hiện, UBND Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại theo từng nhóm đối tượng để quyết định việc áp dụng quy định theo thời gian, lộ trình thực hiện cụ thể.
Đơn vị này cũng có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch, phương án di chuyển, chính sách hỗ trợ hiện hành, đền bù, bố trí quỹ đất tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ theo quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Sau thời gian quy định, cơ sở không thực hiện phải đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… Chỉ cho phép phục hồi hoạt động khi cơ sở thực hiện đảm bảo yêu cầu về PCCC quy định tại Nghị quyết.