Cuối năm 2017, UBND Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn với nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỷ đồng.
Các chủ đầu tư của dự án đã tiến hành xong việc giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công vào cuối năm nay.
Thiết kế phối cảnh nhà máy điện rác Sóc Sơn. |
Thời gian xây dựng nhà máy là 21 tháng tính từ ngày khởi công. Khi hoàn thành, nhà máy có công suất tiêu thụ 4.000 tấn rác mỗi ngày/đêm. Lượng rác này sẽ được đốt để tạo ra 75 mW điện mỗi giờ.
Nguồn nguyên liệu rác sẽ được lấy trực tiếp từ rác thải sinh hoạt không phân loại của 9 quận nội thành và 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn).
Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ với 3 tổ máy tuabin hơi nước. Công nghệ đốt rác sẽ tận thu nhiệt để phát điện phục vụ cho chính hoạt động của nhà máy và bán điện cho cơ quan điện lực quốc gia. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng.
Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn với công nghệ chôn lấp rác lạc hậu đang quá tải vì hàng nghìn tấn rác dồn về mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tháng 8 vừa qua, Sở Xây dựng thành phố đã làm việc với liên danh các nhà đầu tư của dự án để chọn ra đơn vị vận hành và cung cấp dịch vụ sau khi nhà máy hoàn thành.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận hành nhà máy là Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội. Thành phố sẽ đảm bảo cung cấp đủ cho doanh nghiệp nhiên liệu rác để vận hành lò đốt.
Lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn. Lượng rác nhiều với cách xử lý thủ công (chôn lấp) đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến các khu vực dân cư xung quanh bãi rác.
Theo liên danh chủ đầu tư, dự án xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn sau khi đi vào hoạt động sẽ xử lý triệt để các ô nhiễm thứ cấp và các vấn đề môi trường như nước thải, khí thải, tiếng ồn...
Trước dự án này, tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đã có nhà máy đốt rác Nedo được xây dựng theo công nghệ Nhật Bản, tuy nhiên công suất đốt rác chỉ đạt 75 tấn mỗi ngày/đêm.