Trao đổi với Zing sáng 13/7, Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác chống dịch giai đoạn này của Hà Nội là rà soát, kiểm soát toàn bộ người về từ vùng dịch, đặc biệt là TP.HCM để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập cộng đồng.
Việc phát hiện 18 ca bệnh là người về từ TP.HCM qua xét nghiệm sàng lọc cho thấy nguy cơ là rất lớn đối với Hà Nội, khả năng bùng phát dịch cao. Với gần 7.000 người từ TP.HCM đến Hà Nội trong thời gian qua, ông Cương nhấn mạnh sẽ cách ly 14 ngày, giám sát chặt chẽ và xét nghiệm đủ 3 lần.
Đối với những trường hợp còn lại chưa được rà soát qua các ứng dụng khai báo trực tuyến, ông Cương cho biết Ban chỉ đạo TP đã giao chính quyền địa phương, xã, phường, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng cùng vào cuộc để rà soát. Các đơn vị giám sát chặt di biến động dân cư, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tìm người về từ vùng dịch.
"Công điện 14 của Chủ tịch TP đã có rồi, nêu rõ người về từ TP.HCM bắt buộc khai báo y tế đầy đủ, trung thực. Cộng với việc rà soát trong cộng đồng, số lượng sẽ tương đối đầy đủ", ông Cương nhấn mạnh trường hợp cố tình trốn tránh, gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.
Hà Nội lập 22 chốt kiểm soát tại cửa ngõ TP. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về chiến lược xét nghiệm, ông Cương cho biết TP sẽ lập 22 chốt chặn tại các cửa ngõ, cử lực lượng y tế làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR cho người chưa có giấy chứng minh kết quả âm tính trong 3 ngày.
Theo kế hoạch của Công an Hà Nội, 22 chốt sẽ hoạt động từ 6h ngày 14/7 để kiểm soát phương tiện vận tải, ôtô cá nhân (địa phương có dịch sẽ kiểm soát cả xe máy). Sau khi dừng xe, lực lượng chức năng sẽ đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên xe, đặc biệt là đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định.
Lực lượng liên ngành có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội.
Phương tiện vận tải khách công cộng từ 14 địa phương có dịch gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam bị yêu cầu quay đầu, không được di chuyển vào Hà Nội. Các trường hợp được đặc cách là xe chở chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp; công dân hết cách ly trở về Hà Nội kèm quyết định kết thúc cách ly.
Ngoài ra, cơ quan y tế cũng lên kế hoạch xét nghiệm rà soát người tại nơi nguy cơ cao như khu công nghiệp, khu vực có yếu tố dịch tễ. TP cũng đảm bảo toàn bộ người về từ TP.HCM phải được xét nghiệm 3 lần trước khi hết thời hạn cách ly tại nhà.
Chiều 12/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành văn bản yêu cầu từ 0h ngày 13/7, dừng tất cả hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), cửa hàng cắt tóc, gội đầu. TP tiếp tục yêu cầu dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và địa điểm công cộng.
Bên cạnh đó, UBND Hà Nội yêu cầu áp dụng biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP.HCM và vùng dịch, buộc lập tức khai báo với chính quyền địa phương.
Tại đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4) Hà Nội ghi nhận 179 ca mắc ngoài cộng đồng tại 23 quận, huyện. 140 ca F0 phát hiện trong khu cách ly tập trung; 200 ca mắc trong bệnh viện và 25 ca mắc là người nhập cảnh. Số người về từ TP.HCM được phát hiện mắc Covid-19 đã lên đến 23 người.