Sáng 9/8, Hà Nội “xáo trộn” vì nhiều người phải xếp hàng dài và chờ đợi nhiều giờ vẫn không xin được giấy xác nhận của các phường, xã để được lưu thông trong những ngày giãn cách.
Tình trạng này xuất phát từ văn bản được UBND Hà Nội ban hành tối chủ nhật, 8/8, về việc siết chặt cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài mẫu giấy đã được thành phố ban hành, người dân còn phải có thêm căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đáng chú ý, mẫu giấy đi đường phải được UBND phường, xã trên địa bàn xác nhận.
Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng góp ý vì cho rằng quy định chặt trong trường hợp này sẽ “lợi bất cập hại”.
"Làm người dân không trở tay kịp"
Trao đổi với Zing, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân khẳng định kết quả phòng chống dịch của Hà Nội trong 14 ngày giãn cách vừa qua rất đáng ghi nhận. Tình hình dịch còn khó lường, khó dự báo nên việc thành phố đẩy mức phòng chống dịch lên cao một mức cũng là điều dễ hiểu.
Song theo ông Vân, các biện pháp phòng chống dịch phải xem xét tính hợp lý, hợp pháp. Nói về việc ban hành văn bản của Hà Nội, ông Vân cho rằng cả tính hợp pháp và hợp lý đều chưa đạt được.
Trước hết, văn bản này của thành phố không được quyền đặt ra các quy tắc xử sự trái với những văn bản cấp trên.
Việc yêu cầu người dân xuất trình nhiều loại giấy tờ để kiểm tra đã khiến xảy ra tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Hải Nam. |
Về tính hợp lý, thành phố chọn thời điểm ban hành vào buổi tối ngày chủ nhật, khi các cơ quan công sở cả công và tư không làm việc, mà văn bản lại có hiệu lực ngay lập tức.
“Khi làm dân không thể trở tay kịp thì tính hợp lý là chưa đạt được. Dù chưa đến mức tình trạng khẩn cấp, đây chỉ là biện pháp phòng, ngừa, ngăn chặn thì tại sao không có quãng thời gian cho dân chuẩn bị?”, ông Vân phân tích.
Ghi nhận việc trong ngày đầu tiên áp dụng, nhiều chốt kiểm soát đã linh hoạt, không xử phạt mà chỉ nhắc nhở người dân, song ông Vân nêu thực tế văn bản này đã khiến tình trạng ùn ứ xảy ra ở nhiều nơi, gây nguy cơ dịch bệnh.
Theo ông, văn bản đưa ra quy định cần đánh giá tác động ngay lúc ban hành, tránh “đánh úp” dân. Hơn nữa, vị đại biểu cho rằng một người mà trình đến 4-5 loại giấy tờ thì việc kiểm soát rất mất thời gian, tình trạng ùn ứ đương nhiên sẽ xảy ra.
“Như vậy là quy định đã mâu thuẫn với Chỉ thị 16 của Thủ tướng là không được tập trung quá 2 người nơi công cộng và phải đảm bảo giãn cách 2 m. Việc này vô hình trung tạo ra điểm tụ tập đông người và nguy cơ lây lan dịch bệnh, chỉ cần có một ca F0 sẽ lây nhiễm ngay”, ông Vân nêu quan điểm.
Theo ông, đây chính là việc “tự mình tạo ra nguy cơ”. Đáng lẽ Hà Nội phải rút ra được bài học từ việc soát xét giấy tờ ở quận Gò Vấp, TP.HCM, để không mắc lại sai lầm này. “Song rất tiếc thành phố lại để lặp lại việc này từ một văn bản điều hành”, ông Vân nói.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng (nguyên Phó trưởng ban Dân nguyện) cho rằng việc đưa ra biện pháp phòng chống dịch cần có sự linh hoạt và tính quyết liệt. Nhưng việc thành phố ban hành văn bản vào cuối ngày nghỉ đã khiến người dân “không kịp trở tay”, cảm nhận giống như bị “đánh úp”, rồi việc kiểm soát trên đường nhiều khi cực đoan nên khiến ùn ứ, tập trung đông người tại chốt kiểm soát...
“Chỉ thị 16 của Thủ tướng không cho phép như vậy”, ông Nhưỡng nói. Theo ông, việc tham mưu ban hành văn bản này “có vấn đề” nên khiến dư luận bức xúc và nhiều người lên tiếng phản đối.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khuyến cáo người dân đứng xa người kiểm soát ở các chốt 2 m, không để họ sờ trực tiếp vào giấy tờ. Ảnh: Việt Linh. |
Dưới góc độ chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cảnh báo chỉ cần một ca F0 tại các điểm xảy ra ùn ứ trên đường khi kiểm tra giấy tờ, sẽ rất nguy hiểm.
Ông Nhung khuyến cáo người dân chuẩn bị sẵn các loại giấy tờ và đứng xa người kiểm soát ở các chốt 2 m, không để họ sờ trực tiếp vào giấy tờ. Song trong tình huống ùn ứ như ngày hôm qua, ông cho rằng những yếu tố này không thể đảm bảo, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn.
Xã, phường sao đủ khả năng để xác nhận?
Việc Hà Nội yêu cầu giấy đi đường phải được UBND phường, xã xác nhận cũng gây tác động lớn ngay trong ngày đầu tiên quy định này có hiệu lực.
Từ sáng 9/8 đến 18h cùng ngày, nhiều người dân xếp hàng và chờ đợi hàng giờ đồng hồ tại trụ sở các phường trên địa bàn Hà Nội để xin giấy xác nhận. Nhưng có những người 3-4 tiếng vẫn phải ra về tay không vì không đủ hồ sơ theo quy định.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, quy định này cho thấy tư duy nặng về thủ tục, tạo ra quan hệ hành chính ngang dọc, không chuẩn mực. Đặc biệt, có thể gây ra sự hỗn loạn vì ai cũng phải tranh thủ để đi lấy giấy tờ, gây tập trung đông người ở xã, phường.
“Mọi chỉ đạo phải đánh giá hết tác động, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch phải tính đến hậu quả. Hà Nội nâng mức cảnh báo là tốt, nhưng lại không tính đến tác động, hậu quả của chính sách”, ông Vân nói.
Đại biểu đề nghị thay vì bố trí các chốt kiểm soát dày đặc trong thành phố với nhiều thủ tục, giấy tờ, cần ngăn chặn ngay từ nơi người dân xuất phát đi, tức là cần trách nhiệm kiểm soát của tổ dân phố, hàng xóm láng giềng và trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình…
“Tôi nghĩ người dân cực chẳng đã mới phải ra đường, chứ họ biết hình phạt đánh vào túi và vấn đề cơm áo gạo tiền của họ, không vì mưu sinh thì không ai ra đường. Vậy thì tại sao không có biện pháp để giải quyết tận gốc mà lại chặn từ ngọn, để xảy ra tình trạng như vậy”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Nhiều người xếp hàng dài và chờ đợi hàng giờ vẫn không xin được giấy xác nhận của phường, trong khi lượng giấy tờ, văn bản mà các phường giải quyết tăng lên rất nhiều. Ảnh: Việt Linh. |
“Việc thành phố giao nhiệm vụ cho các phường, xã cũng là điều phi lý. Đang lúc giãn cách xã hội mà giao phường, xã xác nhận, vậy hàng trăm, hàng nghìn người kéo đến phường, xã một lúc thì họ tính sao, có làm nổi không? Hơn nữa, phường, xã cũng không đủ thẩm quyền và khả năng xác nhận được hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp”, ông Lưu Bình Nhưỡng thể hiện quan điểm.
Ông nhấn mạnh doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và là một pháp nhân, họ đủ tư cách xác nhận chứ không cần phường, xã xác nhận. Thậm chí nếu có đưa danh sách không đúng, phường, xã cũng không đủ khả năng xác minh.
Nên điều chỉnh, bỏ bớt thủ tục phiền hà
Từ những điều đã phân tích, ông Nhưỡng cho rằng Hà Nội cần cho rà soát ngay, tránh đưa ra quy định mà không thực hiện được hoặc thực hiện mà gây hậu quả lớn hơn. “Nếu thế này có khả năng còn dễ 'toang' hơn, đúng như nhiều người vẫn nói”, ông Nhưỡng ví von.
Các chuyên gia góp ý Hà Nội nên điều chỉnh và bỏ bớt thủ tục phiền hà cho người dân. Ảnh: Việt Linh. |
Đặc biệt, theo ông, trường hợp này là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, hạn chế hoạt động của công dân nên có thể phải xin ý kiến của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp. Cần thiết, nếu Hà Nội không rút lại văn bản thì cần đưa vào diện kiểm tra để xem xét.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí cũng đánh giá cao động thái và tính quyết liệt trong giải pháp chống dịch của Hà Nội. Theo ông, việc siết chặt giải pháp nhằm phòng, chống dịch là đúng nhưng nếu thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho dân thì nên điều chỉnh và bỏ bớt.
Ông Trí cho rằng chỉ cần giấy xác nhận của cơ quan và giấy tờ tùy thân là đủ, không cần xác nhận của phường, xã vì việc đổ xô đi xin xác nhận cũng có thể tạo ra nguy cơ tập trung đông người. Về phía người dân, ông Trí cho rằng ai cũng nên chấp hành nghiêm quy định để dịch sớm được kiểm soát.
Bình luận