Theo ghi nhận khoảng 22h ngày 20/1, hàng chục công nhân được huy động để lắp dải phân cách phục vụ tuyến xe buýt nhanh BRT trên đường Giảng Võ hướng lưu thông từ Kim Mã đi Yên Nghĩa.
Trao đổi với Zing.vn, một công nhân cho biết có hai loại dải phân cách được lắp đặt trên tuyến đường này. Một là loại di động, có chân đế bằng nhựa cứng, có mũi tên phản quang. Hai là cọc tiêu phân làn giao thông bằng cao su, trên đầu có miếng dán phản quang và được bắt cố định xuống mặt đường.
Làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT có thêm dải phân cách cứng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Các cọc tiêu này được lắp đặt phía trước dải phân cách để nếu có xảy ra va chạm giao thông cũng không gây nguy hiểm khi các phương tiện đâm vào", công nhân này nói.
Việc lắp đặt được đơn vị thi công thực hiện vào ban đêm là để hạn chế ùn tắc giao thông.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội giao Ban Quản lý dự án duy tu hạ tầng giao thông đô thị tổ chức lắp dải phân cứng trên đường Lê Văn Lương, đoạn từ nhà chờ kéo dài đến các nút giao thông Hoàng Đạo Thuý, Nguyễn Tuân, Khuất Duy Tiến (chiều Kim Mã – Yên Nghĩa).
Sở GTVT chỉ đạo trong ngày 20/1, đơn vị này phải lắp đặt xong.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu đơn vị này điều chỉnh cụm đèn tín hiệu ở nút giao Trung Văn - Tố Hữu thành đèn bấm cho người đi bộ sang đường. Sử dụng dải phân cách mềm đóng điểm mở tại ngã ba Tố Hữu - cầu Mỗ Lao.
Dù có dải phân cách cứng, và không phải giờ cao điểm, nhiều ôtô, xe máy vẫn đi vào làn đường dành riêng cho buýt nhanh. Ảnh chụp sáng 21/1: Quỳnh Trang. |
Trước đó, ngày 12/1, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị đã đề xuất Sở GTVT và UBND Hà Nội về việc lắp dải phân cách cứng ở một số điểm nhà chờ gần nút giao.
Ông Hải cho rằng tình trạng xe cá nhân lấn làn buýt nhanh vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt ở những điểm sang đường. Việc lắp dải phân cách cứng ưu tiên buýt nhanh nhiều nước trên thế giới đã áp dụng khá thành công.