Ngày 13/8, sau khi đi thăm và động viên cán bộ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại một số cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân F0, chốt kiểm dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo Hà Nội về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Nhận định thủ đô luôn có nguy cơ lây Covid-19 cao, Chủ tịch nước khẳng định ưu tiên của Trung ương, Bộ Chính trị là phải nhanh chóng kiểm soát sự lây lan dịch bệnh ở Hà Nội, đưa thành phố trở thành nơi an toàn, hậu phương quan trọng, vững chắc để có thể chi viện cho các địa phương khác có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Không để quá tải bệnh viện
"Hà Nội đã có quyết định giãn cách xã hội rất kịp thời, giúp tạo bức tường thành ngăn chặn đại dịch lây lan, giúp tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng về y tế, kinh tế xã hội”, Chủ tịch nước đánh giá.
Ông lưu ý việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở Hà Nội cần được thực hiện quyết liệt, liên tục và các biện pháp cụ thể.
Nhấn mạnh đến biến thể virus Delta rất nguy hiểm, Chủ tịch nước yêu cầu không để quá tải bệnh viện, không để bệnh nặng tăng nhanh và đặc biệt không để nhiều người tử vong. “Chúng ta phải đặt vấn đề này với trách nhiệm cao nhất để bảo vệ mạng sống con người, người dân là trên hết”, Chủ tịch nước nói.
Lãnh đạo Nhà nước đề nghị người dân không chủ quan trước những biến thể mới của Covid-19; tiếp tục phát huy tinh thần 5K + vaccine. “Không được để Hà Nội - trái tim của cả nước - bị dịch bệnh đe dọa, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa, bảo vệ cho được thủ đô”, Chủ tịch nước kỳ vọng.
Gợi ý một số biện pháp phòng, chống Covid-19 cho thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến các vấn đề: Giãn cách, xét nghiệm, điều trị, vaccine và công nghệ; thực hiện nghiêm túc, phù hợp với diễn biến ở từng khu vực và trên địa bàn trong tiến hành giãn cách.
Ông cũng góp ý cần tiếp tục xem xét tăng cường năng lực xét nghiệm quy mô lớn, thời gian nhanh để kịp thời khoanh vùng những khu vực nguy cơ cao.
Tập trung vaccine cho "vùng đỏ", người già, người nghèo
Về vaccine phòng Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là giải pháp cứu cánh giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Do đó, Hà Nội cần nghiên cứu các quan điểm về vấn đề này như: Tập trung cho vùng đỏ, tiêm cho người già, người nghèo, người có bệnh nền… với chiến lược cụ thể.
Chủ tịch nước yêu cầu bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ y bác sỹ và lực lượng tuyến đầu khác, sớm tiêm 2 mũi để đảm bảo an toàn trong thực thi nhiệm vụ. Thành phố cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong phát hiện, truy vết.
Bên cạnh đó là quan tâm đảm bảo dòng chảy hàng hóa vận chuyển an toàn, cung cấp đầy đủ cho người dân; chủ động, sẵn sàng hơn nữa về hậu cần, thuốc, vật tư y tế, bình oxy ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát mạnh; kiểm soát chặt chẽ các chốt ra vào thành phố…
Ngoài ra, người đứng đầu Nhà nước gợi ý Hà Nội chủ động tìm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục khó khăn, kết hợp chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ phù hợp để có nguồn lực chống dịch, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.
Thành phố cũng cần có kế hoạch tái thiết nền kinh tế để ổn định tâm lý xã hội, nhất là các giải pháp tài khóa, tài chính, khoa học và công nghệ để sau khi chống dịch thành công, Hà Nội là trung tâm sản xuất, phát triển mạnh mẽ.
“Để thực hiện điều đó, phải kiên quyết thực hiện giãn cách xã hội, không chần chừ”, Chủ tịch nước nói và đề nghị TP cần lưu ý làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người dân, nhất là người dân ở các khu vực cách ly.
Hà Nội đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc diện rộng
Báo cáo Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Hà Nội đã chuẩn bị cho mọi tình huống với 65.000 chỗ cách ly F1 và trên 30.000 chỗ thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và trên 10.000 giường cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch. Trang thiết bị gồm hệ thống ôxy, máy thở và xe cứu thương đã được cấp phát cho 100% cơ sở điều trị, năng lực xét nghiệm và trả kết quả đạt trên 200.000 mẫu/ngày.
Trong thời gian này, Hà Nội cũng đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại khu vực nguy cơ cao, khu vực phong tỏa. Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thành phố đã chỉ đạo hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68 của Thủ tướng với số tiền trên 175 tỷ đồng đã được chi trả tính đến ngày 12/8.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, Bí thư Hà Nội cho biết TP sẽ tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian giãn cách, TP nắm chắc và kiểm soát tốt tình hình để quyết định các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ từ sớm.
Bên cạnh nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, thành phố có giải pháp cho doanh nghiệp, khu công nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì phát triển kinh tế. "Thành phố sẽ có các phương án phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh để bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Trung ương đã đề ra và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định", ông Dũng khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh, trong thời gian giãn cách xã hội, số số ca mắc trong cộng đồng của thành phố giảm dần, đến nay trung bình khoảng 30 ca trong cộng đồng/ngày.
Ông cho biết thành phố sẽ xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, sẵn sàng mọi phương án, kịch bản từ thấp đến cao, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng; bảo đảm hàng hóa, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.
“Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”, ông Chu Ngọc Anh nêu rõ.
Thủ tướng: 'Sẵn sàng làm ngày đêm để sớm có vaccine trong nước'
"Mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có vaccine tự sản xuất. Nếu mọi việc suôn sẻ, trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước", Thủ tướng thông tin.
Phó thủ tướng: ‘Hạn chế việc vaccine về quá muộn và dồn dập'
Với các thỏa thuận nhập khẩu đã ký, Phó thủ tướng yêu cầu cần tập trung thúc đẩy đối tác giao vaccine sớm nhất có thể, hạn chế việc vaccine về quá muộn và dồn dập dẫn đến quá hạn.
Thủ tướng: 'Đã hy sinh để phong tỏa thì phải kiểm soát được tình hình'
Theo người đứng đầu Chính phủ, phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc.