Liên quan đến vụ cháy công ty Rạng Đông, Sở TN&MT Hà Nội vừa gửi báo cáo giải trình lên Thành ủy và UBND TP về việc triển khai khắc phục sự cố môi trường sau vụ cháy, trong đó giải thích nguyên nhân kết quả quan trắc thủy ngân của đơn vị này khác với con số mà Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT) đưa ra.
Sai khác do không đo cùng thời điểm
Theo Sở TNMT, so sánh kết quả quan trắc giữa hai đơn vị, chỉ có sai khác về hàm lượng thủy ngân trong không khí xung quanh nhà máy.
Lý do của sự “lệch pha” này, theo giải thích của sở, là thời điểm quan trắc của Sở TNMT Hà Nội khác với Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường.
Các công nhân dùng bạt che và dọn dẹp hiện trường vụ cháy sau 8 ngày xảy ra sự việc. Ảnh: Hồng Quang. |
Sở TNMT Hà Nội còn cho biết Bộ TNMT so sánh kết quả quan trắc thủy ngân với các tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Do vậy, một số thời điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty Rạng Đông và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO.
Trong khi đó, Sở TNMT Hà Nội và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) so sánh hàm lượng thủy ngân QCVN 06 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh) và Quyết định 3733 của Bộ Y tế, cho thấy hàm lượng thủy ngân trong không khí xung quanh nhà máy “đạt quy định”.
Trước đó, sáng 31/8 (2 ngày sau khi vụ cháy xảy ra), Sở TNMT sau khi tiến hành quan trắc đã có báo cáo gửi TP cho biết kết quả kiểm tra nhanh thông số thủy ngân tại 5 vị trí (mẫu đất tại vườn hoa nhà máy, mẫu đất tại rìa vườn hoa trung tâm, mẫu đất tại gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy) cho thấy nồng độ thủy ngân tại các vị trí trên đều bằng 0µg/m3 (microgam/mét khối).
Tuy nhiên, kết quả quan trắc của Bộ TNMT lại đưa ra con số hoàn toàn khác.
Theo đó, kết quả quan trắc sau vụ cháy cho thấy 1/12 mẫu nước mặt được thu thập có hàm lượng thủy ngân vượt 1,3 lần so với ngưỡng khống chế (mẫu nước sông Tô Lịch, đoạn ngõ 320 Khương Đình – cống xả thải của nhà máy Rạng Đông); 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn. Ngoài ra, có mẫu bùn thải cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch có hàm lượng thủy ngân cao hơn 6,1 lần tiêu chuẩn cho phép.
Theo Bộ TNMT, cơ quan chức năng cũng xác định hướng phát tán thủy ngân là dòng khí từ sau hàng rào nhà kho ở khoảng cách 200 m, 500 m, và 1.000 m. Trong khoảng 200 m, hàm lượng thủy ngân trong không khí đều nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO, ảnh hưởng sức khỏe con người.
Hà Nội bỏ tiền thuê chuyên gia nước ngoài giám định
Trước sự bất nhất này, tại cuộc họp với các cơ quan chuyên môn chiều 5/9 về xử lý hậu quả của vụ cháy Công ty Rạng Đông, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Công an TP trưng cầu một đơn vị giám định độc lập để có được kết quả chính xác nhất mức độ ô nhiễm môi trường sau vụ cháy Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, ông Chung đã ký văn bản hỏa tốc đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn mời các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm giúp Công an TP Hà Nội giám định để xác định mức độ ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng của vụ cháy.
Hà Nội sẽ chi trả chi phí mời chuyên gia độc lập giám định mức độ ô nhiễm ở nhà máy Rạng Đông. Ảnh: Phạm Thắng. |
Từ việc giám định trên, đơn vị chuyên môn sẽ đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian sớm nhất để TP tổ chức thực hiện. “Toàn bộ kinh phí mời chuyên gia trong và ngoài nước phối hợp giám định sẽ do TP Hà Nội chi trả theo quy định”, văn bản hỏa tốc do Chủ tịch Hà Nội ký nêu rõ.