Còn gần 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán, nhưng nhiều chủ vườn trồng quất ở Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) đang đứng ngồi không yên, bởi liên tục trong hơn một tuần qua, số lượng quất chết quá nhiều so với mọi năm. Vì sao những cây quất còn nguyên rễ, quả chín vàng lại chết héo khô nằm chất đống ở ven đường báo hiệu một vụ thất thu đối với nhiều gia đình ở Tứ Liên?
Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên là thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội trong dịp Tết, nhưng đến thời điểm này, người nông dân chỉ còn biết trông chờ vào thời tiết. 5 năm qua, đây là năm mà quất Tết Tứ Liên chết nhiều như vậy.
Anh Phan Duy Hưng, ở phường Tứ Liên đang chăm sóc những cây quất không bị bệnh mong bán trong dịp Tết Nguyên đán. |
Anh Phan Duy Hưng, ở phường Tứ Liên, trồng 6 sào tương đương khoảng 500 cây quất cảnh để phục vụ cho người dân trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi. Tuy nhiên, hơn nửa tháng qua, quất trong vườn nhà anh đang xanh tươi, quả vàng mọng lại ngả lá vàng, rồi héo, quả rụng hàng loạt rồi chết.
Không chỉ quất của gia đình anh Hưng chết nhiều mà đây còn là tình cảnh của nhiều hộ xung quanh. Nhìn những cây quất được chăm sóc, nâng niu đến gần ngày thu hoạch mà không thể cứu được phải nhổ đi, anh Phan Duy Hưng nói trong buồn rầu: “Ba năm nay khó khăn nhiều hơn thuận lợi, quất chết rất nhiều, khoảng 100 cây. Gia đình tôi đầu tư tiền ra mua cây quất mấy triệu mà giờ chết phải vứt đi. Kể cả xung quanh hàng xóm không nhổ nhanh có khi không có chỗ mà vứt. Cây quất bị thối rễ xong héo, quả qoắt vào rồi chết. Năm nay, 97% các hộ đều có quất chết, chết ít hay chết nhiều còn không có một nhà nào là không chết”.
Lý giải về nguyên nhân hàng trăm cây quất cảnh chết hàng loạt, ông Nguyễn Văn Trọng, người trồng quất ở cụm 3, phường Tứ Liên cho biết, một phần do thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều khiến quất thối rễ, nhưng chủ yếu vẫn là khâu chăm bón không đúng cách của người trồng. Khi phát hiện quất mắc bệnh và chết hàng loạt, người dân đã liên tục phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích ra rễ những cây vẫn cứ héo và chết.
Những cây quất bị chết người dân nhổ bỏ vứt bên lề đường |
Ông Nguyễn Văn Trọng nói: “Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, thời tiết như thế này nó cứ chết thôi, héo dần rồi thối rễ. Nhưng nguyên nhân chủ yếu do chăm sóc, nhiều khi mình lơ là cũng bị hỏng. Ở bãi Tứ Liên này, tỷ lệ mua quất bên Văn Giang về, nếu cây nào vỡ vừng thì chết, còn lại một số gia đình bán cây cho dân trong phố xong lại xin về thì cây đó lâu năm hoặc rễ không phát triển được nữa, mà nếu mang về trồng thì tỷ lệ chết rất nhiều”.
Theo Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp phường Tứ Liên, cả phường có tổng diện tích khoảng 20ha với gần 400 hộ trồng quất. Vào thời điểm này, người dân vẫn hàng ngày chăm sóc, bón phân, phun thuốc. Và họ vẫn hy vọng vào vụ quất Tết này.