Theo UBND quận Cầu Giấy, phố Trương Công Giai được thành phố lựa chọn đặt cho tuyến đường đoạn từ ngã ba giao cắt với đường Cầu Giấy (tại số nhà 337) đến ngã ba giao cắt với phố Thành Thái (cạnh công viên Cầu Giấy) dài 670 m, rộng 8 m.
Đây là con đường mang tên danh nhân Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai (sinh năm 1665, mất năm 1728).
Các vị lãnh đạo sở, các ban ngành tiến hành lễ gắn biển tại các phố được đặt tên. Ảnh: Minh Nguyệt. |
Suốt cuộc đời làm quan phục vụ đất nước, ông trải qua nhiều trọng trách khác nhau, từ Tự khanh, Đô ngự sử đến chức Công bộ thượng thư, Hình bộ thượng thư, được phong tặng tước Lỵ Quận công, khi mất được tặng hàm Thiếu bảo. Ông có thời gian dài kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng), có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Tên phố Dương Khuê, nhà thơ, nhà nho yêu nước, được đặt cho đoạn đường từ ngã ba đường Hồ Tùng Mậu (giáp trường Đại học Thương mại) đến ngã ba giao với phố Nguyễn Hoàng, dài 540 m, rộng 8 m.
Còn tên phố Trần Quốc Vượng được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt với đường Xuân Thủy (tại số nhà 165) đến ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng (đối diện Bệnh viện Y học cổ truyền) dài 750 m, rộng 13,5 m.
Cũng theo UBND quận Cầu Giấy, giáo sư Trần Quốc Vượng (sinh năm 1934, mất năm 2005).
Trong sự nghiệp làm cán bộ giảng dạy tại khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ông đã góp phần xây dựng bộ môn khảo cổ học, có công gây dựng Trung tâm Nghiên cứu liên văn hóa - lịch sử, bộ môn Văn hóa du lịch, bộ môn Lịch sử văn hóa Việt Nam.
Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng là người có công đầu trong việc xây dựng ngành Hà Nội học. Ông từng giữ cương vị tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, phó chủ tịch Hội Văn hóa - văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội khóa 2.
Từ 28/10 Hà Nội có thêm 3 con đường mang tên các danh nhân Trương Công Giai, Dương Khuê và Trần Quốc Vượng. |