UBND TP Hà Nội vừa ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố”, trong đó bao gồm Hướng dẫn sử dụng, phần Bản vẽ mẫu để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tham khảo khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa hè đường đô thị trên địa bàn thành phố.
Năm 2018, Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình thi công lát đá vỉa hè ở một số quận trong TP. Ảnh: Lê Quân. |
Văn bản nêu rõ các khu vực xung quanh công trình văn hóa, di tích, các công trình có yêu cầu kiến trúc riêng, các công trình cần bảo tồn, các tuyến phố đi bộ và các khu vực có công trình đặc biệt khác, vật liệu lát hè và kết cấu vỉa hè có thể được lựa chọn riêng biệt phù hợp với tính chất công trình.
Nhiều tuyến phố sẽ có vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên
Theo bảng tổng hợp các khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố trên địa bàn thành phố theo đề xuất của các quận, huyện, thị xã, có hơn một trăm tuyến phố dự kiến được lát hè bằng đá tự nhiên.
Cụ thể, quận Ba Đình sẽ có các tuyến phố hè phố Chu Văn An, Nguyễn Cảnh Chân, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong, Trần Phú, hè xung quanh Viện bảo tàng Hồ Chí Minh và Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học - Kim Mã, Huỳnh Thúc Kháng, Quán Thánh, Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Đội Cấn, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Bún - Nguyễn Khắc Nhu.
Quận Đống Đa gồm tuyến Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn, Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Chùa Bộc, Nguyễn Khuyến, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Hoàng Cầu, Yên Lãng, Khâm Thiên, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Thái Thịnh, Cát Linh, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Bích Câu, Lương Định Của, Xã Đàn, Ô chợ Dừa, Giảng Võ, Tôn Thất Tùng, Trần Quang Diệu.
Quận Hai Bà Trưng gồm hè phố Quang Trung, Tô Hiến Thành, Lê Đại Hành, Trần Khát Chân, Hoa Lư, Nguyễn Đình Chiểu, Thể Giao, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Hưu, Ngô Thì Nhậm, Lò Đúc và các tuyến phố cũ.
Quận Tây Hồ gồm các tuyến phố Trích Sài, Quảng Bá, Nguyễn Đình Thi, phố Yên Hoa, đoạn phố Nhật Chiêu đến phố Quảng Bá, đường Thanh Niên, đường Lạc Long Quân, đường Võ Chí Công, đường Xuân La.
Quận Hoàn Kiếm gồm các tuyến phố Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Đình Ngang, Tống Duy Tân và ngõ Cấm Chỉ, Trần Phú, Hàm Long, Ngô Thì Nhậm, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Trương Hán Siêu, Cửa Đông, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, phố Huế, Lê Duẩn, Dã Tượng, Đình Ngang, Liên Trì, Nam Ngư, Nguyễn Gia Thiều, Phan Bội Châu, Ngô Quyền.
Quận Hoàng Mai gồm tuyến đường Giải Phóng, đường gom vành đai 3 dưới thấp, đường 2,5, vỉa hè khu đô thị Định Công (phía đường 2,5), Kim Giang.
Quận Hà Đông sẽ có các tuyến đường Ngô Quyền, vỉa hè hai bên đường Quốc lộ 21B, Trần Phú, đường 36 m, Nguyễn Văn Lộc, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Trãi, Lê Hồng Phong - phường Nguyễn Trãi, Lê Hồng Phong - phường Hà Cầu, trục đường 44 m.
Ngoài ra, các tuyến phố khác sẽ được lát hè bằng các loại vật liệu khác như gạch bê tông vân đá, gạch Tezarro hoặc gạch block.
Chỉ lát đá khi đã đồng bộ hạ tầng
Thành phố quy định chỉ thực hiện lát đá vỉa hè với điều kiện đã hạ ngầm hệ thống dây nổi, đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, các công trình kiến trúc hai bên đường đã được xây dựng ổn định; đồng bộ với việc cải tạo chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố.
Vật liệu đá tự nhiên sử dụng để lát phải đảm bảo các thông số phù hợp với quy định tại tiêu chuẩn đá ốp lát tự nhiên TCVN 4732:2007, không sử dụng nhóm đá vôi, khảo sát và xác định nguồn gốc đá rõ ràng. Trên các tuyến đường, tuyến phố khi vỉa hè có chiều rộng không đều, chiều rộng hẹp cần lựa chọn kích thước viên đá cho phù hợp.
TP cũng yêu cầu rà soát mục đích sử dụng của từng vị trí trên tuyến để lựa chọn giải pháp kết cấu nền móng hè cho phù hợp từ bước khảo sát, thiết kế.