Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
UBND TP đề nghị Công ty CP Intimex Việt Nam (chủ đầu tư dự án) chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố để tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ và quy định của pháp luật.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng hình thức kiến trúc Khách sạn được đặt tại vị trí đất vàng của thủ đô Hà Nội 20-23 Lê Thái Tổ là "đơn điệu và xa lạ". Ảnh: Tiến Tuấn. |
Thành ủy Hà Nội yêu cầu phương án kiến trúc xây dựng công trình phải đảm bảo phù hợp các quy định về quy hoạch và bảo tồn, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc có liên quan; thiết kế hài hòa, phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm và phụ cận...
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc có trách nhiệm dự thảo văn bản của UBND TP xin ý kiến thống nhất của Bộ VH-TT&DL trước ngày 10/7/2016.
Vị trí dự kiến xây dựng khách sạn là một siêu thị của Công ty CP Intimex Việt Nam. Cách dự án khách sạn này không xa là khách sạn Apricot tại địa chỉ số 136, Hàng Trống, Hoàn Kiếm. Khách sạn Apricot - Phú Gia có diện tích mặt bằng 500 m2, chiều cao 8 tầng (tính cả phần giật cấp).
Theo giá thị trường, giá đất tại mặt đường Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội là 1 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, hầu như khu vực này không có giao dịch.
Vị trí xây khách sạn tại số 22-23 Lý Thái Tổ ngay sát Hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguồn: Công Khanh/GoogleMaps. |
Trước đó, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội về công trình Khách sạn và dịch vụ tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng hình thức kiến trúc của "công trình mới không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm, một di sản cấp quốc gia đặc biệt".
Hội đồng Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực. Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm.
"Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và mầu sắc. Cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ" - Hội đồng Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định.