Tại Hà Nội có rất nhiều chợ đồ cũ như chợ Hoàng Cầu, chợ Hoàng Hoa Thám (mỗi tuần họp một lần), chợ Vạn Phúc (họp vào các ngày mùng 1, 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch), chợ đồ cũ Thưởng Thưởng ở chợ đầu mối Bắc Thăng Long… Bên cạnh đó đồ cũ cũng xuất hiện nhiều trên các vỉa hè với hàng trăm mặt hàng.
Mặt đồng hồ cũ bằng vàng có giá 30 triệu đồng. Chủ nhân cho biết sở dĩ chiếc đồng hồ cũ này có giá cao vì mặt đồng hồ được làm bằng vàng, là đồng hồ xịn, chính hãng Longines. |
Trên vỉa hè còn nhiều chiếc đông hồ giá hơn chục triệu. Chẳng hạn chiếc đồng hồ quai da đen được chủ nhân phát giá 13 triệu đồng.. |
Tại Hồ Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) có khoảng gần 20 gian hàng bán đồ cũ họp từ 17h đến khoảng 19h. Nói là gian hàng nhưng thực ra người bán đến đây chỉ trải tấm bạt một vài mét vuông để bày hàng. Mặc dù là “chợ” tự phát nhưng ở đây lúc nào cũng đông kín người xem mua.
Tại đây bán các món đồ như sạc điện thoại, tai nghe, đồng hồ, máy tính, máy sấy, điện thoại, ấm, thìa, kính, nhẫn, đồng hồ, thắt lưng…tất tần tật những món đồ cũ tưởng chừng như vứt đi nhưng vẫn được đưa ra bày bán. Có những món đồ chỉ 10.000 - 15.000 đồng nhưng cũng có những món đồ lên tới ba bốn chục triệu đồng. Tuy nhiên đồ điện tử vẫn chiếm đa số.
Một chiếc bình men rạn được giới thiệu là đồ cổ, giá 30 triệu đồng. |
Những món đồ có tuổi đời ba bốn chục năm cũng có giá từ một đến vài ba triệu đồng. |
Anh Cường, một người chuyên bán đồng hồ tại hồ Đền Lừ cho biết, thực ra anh chuyên bán đồ tại chợ Hoàng Cầu còn ngồi bán tại hồ thì giao lưu là chính chứ ít khi mới bán được hàng, đặc biệt là những món đồ độc, đắt. Những món đồ từ vài ba chục triệu đồng cũng không thiếu nhưng chỉ khách biết chơi thì anh mới đem ra giới thiệu.
Giới thiệu với chúng tôi chiếc đồng hồ Longines với giá 30 triệu đồng, anh Cường cho biết sở dĩ chiếc đồng hồ cũ này có giá cao vì mặt đồng hồ được làm bằng vàng, là đồng hồ xịn, chính hãng. Ngoài ra tại đây còn có nhiều chiếc đồng hồ đeo tay cũ cũng được người bán đưa ra giá vài chục triệu đồng. Để khẳng định thêm về chất lượng, nguồn gốc chiếc đồng hồ của mình, anh Cường cho hay, khách hàng có thể chụp ảnh lại, tham khảo giá mọi nơi rồi quay lại đây mua cũng không muộn.
Chiếc ấm được người bán quảng cáo có tuổi "hơn 100 năm" giá 1 triệu đồng. |
Anh Quốc Mạnh ở Hoàng Mai cho biết, anh cũng có sở thích chơi đồng hồ cũ, nhìn thấy chiếc đồng hồ mạ vàng cũ được bày bán trên vỉa hè, người bán hét giá 7 triệu đồng nhưng khi anh trả 6 triệu họ vẫn nhất quyết không bán. “Nhiều người không biết thấy mình mua chiếc đồng hồ cũ với ngần ấy tiền tưởng mình hớ, 'có vấn đề' nhưng chỉ những người chơi đồ cũ mới biết được giá trị thật của nó”, anh Mạnh nói.
Còn anh Trường, một người kinh doanh đồ cổ xưa tại chợ Vạn Phúc (Hà Đông) cho biết chơi đồ cũ điều quan trọng là người mua phải biết được giá trị thực của món hàng, đặc biệt là với đồ cổ. Mặc dù mới theo nghề này được khoảng một năm nay nhưng có ngày anh bán được vài triệu, có ngày bán được “xung” lên bán được cả chục triệu. Như ngày đầu khai trương chợ đồ xưa Vạn Phúc, anh kiếm được gần 20 triệu đồng.
Bàn là xưa, giá 1,5 triệu. |
Để có những món đồ bán tại đây, buổi sáng anh Trường đi lùng sục tìm hàng còn buổi chiều lại ra chợ bán. Theo anh Trường, để tìm mua được đồ rẻ, độc thì dân trong nghề không có cách nào khác ngoài việc đi lùng, quẩn hết thành phố, tìm mua của người dân và các cửa hàng đồng nát.
Sở hữu nhiều món đồ có giá hàng chục triệu đồng nhưng anh Trường không đem ra tại hội chợ phiên vì theo anh nhiều món đồ khi bày bán tại vỉa hè sẽ mất giá hoặc vận chuyển nhiều sẽ hư hỏng. Kể về món đồ tâm đắc mà mình đang sở hữu, anh Trường cho hay anh đang có chiếc đồng hồ cũ để bàn của Pháp, có người trả 60 triệu nhưng anh chưa muốn bán. Nếu muốn bán anh sẽ gọi giới đồ cổ, những người thực sự muốn mua đến tận nhà để bán.
Đồng hồ con gà mái giá hơn 300.000 đồng. Nếu là đồng hồ hình con gà trống thì giá hơn 1 triệu đồng. |
Chiếc điện thoại quay số xưa giá 1,5 triệu đồng, được người bán bảo hành nghe gọi. |
“Nhiều người nghĩ chỉ có những người già, lớn tuổi mới mê đồ cũ nhưng khách hàng của tôi thì đủ mọi tầng lớp. Đặc biệt là thời gian gần đây, xu hướng giới trẻ tìm đến những món đồ cũ ngày càng nhiều. Một khi đã chơi đồ cổ xưa thì nghiền luôn. Chẳng hạn như tôi, cũng là dân kinh doanh nhưng rất thích những sở hữu những món đồ này. Nhìn những món đồ này tôi lại có cảm giác như được sống lại thời bao cấp, nhiều cảm xúc ùa về. Hay có ông bạn tôi biết, ông ấy có sở thích sưu tầm đồ cổ, theo ước tính thì số đồ cổ ấy đem bán có thể lên tới vài chục tỷ”, anh Trường tâm sự.
Một góc chợ đồ cũ Hoàng Cầu. |
Tuy nhiên anh Trường cũng cho rằng hiện nay đồ giả cổ rất nhiều, không biết đường nào mà lần, thậm chí người trong nghề cũng không tránh khỏi bị lừa.