Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) thời gian từ nay đến 2025.
Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) với quy mô mặt cắt rộng 53,5 m, dài 3,44 km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỷ đồng.
Theo phương án của Sở GTVT Hà Nội, dự án được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Trong năm 2023, ngành giao thông Hà Nội nhiều lần tổ chức lại giao thông nút giao Ngã Tư Sở - đường Láng. Ảnh: Đình Hiếu. |
Trong năm 2023, ngành giao thông Hà Nội nhiều lần tổ chức lại giao thông nút giao Ngã Tư Sở - đường Láng. Ảnh: Đình Hiếu
Một năm trước (tháng 1/2023), TP Hà Nội thông xe dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch bằng.
Đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có chiều dài hơn 5 km, quy mô mặt cắt ngang 19 m. Dự án được khởi công vào ngày 22/4/2018. Tổng mức đầu tư đoạn dưới thấp và trên cao xấp xỉ 10.000 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Từ khi tuyến đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở thông xe tình trạng ùn tắc giao thông toàn tuyến cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở với đường Láng thường xuyên ùn tắc dù ngành giao thông đã thí điểm nhiều phương án phân luồng trong năm 2023.
Toàn bộ tuyến Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch có chiều dài hơn 43 km, quy mô mặt cắt 50-72,5 m; là tuyến giao thông nội đô chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín.
Hiện nay, tuyến đường Vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện được 32km trong đó có 3 cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.