Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vượt mức 8.300 USD/năm (khoảng 190 triệu đồng) sau 5 năm nữa là một trong những nội dung trọng tâm trong báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội sáng 12/10.
Thành phố cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người đạt 36.000 USD/năm (khoảng 830 triệu đồng), và là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Kinh tế tư nhân đóng góp 22% GRDP
Ngay trong phiên khai mạc, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, trình bày báo cáo chính trị. Báo cáo điểm lại những thành tựu của giai đoạn 2016-2020, đề ra một số mục tiêu cụ thể trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, trong 5 năm 2016-2020, kinh tế thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%).
Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD (khoảng 125 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.
Theo báo cáo, ngành du lịch Hà Nội dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu 12,1%/năm. Năm 2019, thành phố đón hơn 7 triệu khách quốc tế, thuộc top 10 điểm đến hàng đầu thế giới.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9%/năm.
Khu vực công nghiệp tăng bình quân 8,3%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT, năm 2019 đạt gần 300.000 tỷ đồng, với 16.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn và có 2 trên tổng số 5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.
Trong nhiệm kỳ qua, năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng của Hà Nội được cải thiện khá rõ rệt. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% tăng trưởng GRDP, cao hơn cả nước (44,3%). Năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng (giá hiện hành), gấp 1,65 lần bình quân cả nước.
Theo báo cáo, môi trường kinh doanh ở Hà Nội được cải thiện ngày càng thuận lợi hơn; hỗ trợ tích cực doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển, đóng góp trên 22% trong GRDP, tăng hơn 1,2 điểm % so với năm 2015, giải quyết khoảng 83% lao động xã hội.
Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm
Tuy nhiên, báo cáo chính trị đánh giá dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, sức chống chịu khá tốt trước những tác động từ bên ngoài và đại dịch Covid-19, nhìn chung chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Ngành dịch vụ tăng trưởng dưới tiềm năng, thấp hơn mức tăng GRDP chung, đóng góp trong cơ cấu GRDP có xu hướng giảm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn chưa cao. Sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, hiệu quả còn thấp; nông nghiệp công nghệ cao còn ít; chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa theo kịp yêu cầu. Chuyển dịch cơ cấu lao động chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công còn chậm.
Khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự là một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế; số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng chậm, phần lớn quy mô nhỏ và siêu nhỏ; mức tăng vốn thấp hơn bình quân chung cả nước; mức tăng doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp còn thấp.
Báo cáo chính trị của Đảng bộ Hà Nội xác định vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là việc đẩy nhanh xây dựng các công trình trọng điểm. Ảnh: Việt Linh. |
Hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo tuy đã trở thành phong trào, có nhiều khởi sắc nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng; trình độ quản lý, sức cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Các chỉ số: Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) còn ở vị trí thấp so với cả nước.
Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải... chưa đạt kế hoạch.
Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như công trình giao thông, các nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên... còn chậm.
Báo cáo cũng nhận định bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết phát triển vẫn là xu thế chính nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển trên thế giới.
Liên kết kinh tế toàn cầu vẫn gặp khó khăn bởi xu hướng bảo hộ thương mại, hàng rào phi thuế quan gia tăng, nhất là sau tác động của tình hình đại dịch Covid-19. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động nhanh, sâu rộng và đa chiều đến mọi mặt kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu và của mỗi quốc gia.
Đó cũng sẽ là cơ hội và thách thức của Hà Nội trong thời gian sắp tới.
Mục tiêu thành phố kết nối toàn cầu
Trong báo cáo chính trị, Hà Nội cũng đưa ra một số mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, thành phố phát triển theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Ngoài ra, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,5-8%/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2025 theo hướng dịch vụ chiếm 65-65,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%.
Hà Nội cũng phấn đấu tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80-85%; số giường bệnh/10.000 dân đạt mức 30-35; duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%...
Báo cáo chính trị cũng đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 60-62% vào năm 2025; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%; tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch là 100%...