Chia sẻ với Zing.vn về vụ việc hàng chục nghìn m2 đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị san ủi để xây dựng những khu biệt thự, khu sinh thái nghỉ dưỡng, thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) nhận định đây rõ ràng là vi phạm có hệ thống, cần xử lý nghiêm.
'Tại sao để vi phạm tràn lan?'
Theo ông, vào tháng 4/2006, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã. Trong đó, 2 xã "nổi cộm" đất rừng bị lấn chiếm mà báo chí phản ánh và Hà Nội giao thanh tra toàn diện là Minh Phú, Minh Trí.
"Thời điểm đó, ở khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan thanh tra hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha. Tại sao phát hiện sớm vụ việc không xử lý, giờ lại tràn lan như thế này? Các cơ quan đùn đẩy nhau, làm ngơ trước sai phạm mới tiếp tục mất rừng, mất đất như vậy", tướng Cương đặt vấn đề.
Khu sinh thái Thiên Phú Lâm có khuôn viên bề thế rộng hoảng 3 ha với nhiều nhà xây, nhà khung, tiểu cảnh to lớn, đào ao, bể bơi, nhà tạm và nhiều tiểu cảnh như chùa một cột; tháp Eiffel khung sắt; cối xay gió khung sắt vách gỗ... Đây là công trình của gia đình ông Ngô Văn Cam. Việc xây dựng trên diện tích đất rừng phòng hộ được ông Cam bắt đầu từ năm 2017. Ảnh: Duy Linh. |
Cũng theo ông, việc làm ngơ của chính quyền địa phương hơn chục năm qua có dấu hiệu lợi ích, không loại trừ sự cấu kết giữa chính quyền với doanh nghiệp và "đại gia" để nhằm hợp pháp vi phạm. Ngoài ra, các công trình xây dựng ở đây còn có bóng dáng của quan chức, người nổi tiếng.
"Tất cả các vụ án lớn vừa được phanh phui vừa qua như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng đến Vũ "nhôm, Út "trọc"... đều có sự móc ngoặc, liên minh ma quỷ giữa quan chức với doanh nghiệp và đại gia. Vụ xẻ thịt rừng Sóc Sơn cũng thế. Những cá nhân hay các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư xây dựng dự án lớn, biệt phủ phải có ngầm ý nào đó của quan chức TP Hà Nội", ông phân tích.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cũng cho rằng vụ việc này rất phức tạp cần thanh tra kỹ lưỡng, nếu có dấu hiệu phạm pháp hình sự chuyển cơ quan điều tra ngay.
Nói thêm về sự chậm trễ xử lý khiến các công trình xây dựng lấn chiếm rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng kết luận Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý rồi. TP Hà Nội thực hiện thì đơn vị này phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để đốc thúc Hà Nội.
UBND Hà Nội có trách nhiệm khi buông lỏng quản lý
Về trách nhiệm của chính quyền trong vụ việc này, tướng Cương đề nghị truy trách nhiệm lãnh đạo UBND Hà Nội, các sở ngành liên quan, huyện Sóc Sơn... khi buông lỏng quản lý, chậm xử lý các vi phạm.
Công trình biệt thự, nhà vườn, lâu đài trong khuôn viên khu Hoàng Lê Gia Garden đang dần thành hình, đằng sau là hệ thống kè trên núi chống sạt lở kiên cố đã hoàn tất. Chủ sở hữu của khu đất này đã mua lại đất của nhiều hộ dân ở thôn Minh Tân (xã Minh Trí, Sóc Sơn) và xây dựng nhiều hạng mục công trình với tổng diện tích xây dựng hàng trăm m2 gồm nhiều nhà ở kiên cố, cầu bê tông qua khe núi, đường nhựa, đường nội bộ, sân vườn, kè đá taluy sườn núi, tiểu cảnh… Ảnh: Duy Linh. |
Đồng quan điểm, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khẳng định trách nhiệm rõ ràng thuộc TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn.
"Huyện Sóc Sơn nói vượt quá thẩm quyền thì TP Hà Nội phải xem xét vấn đề để xử lý, thanh tra phải tiếp tục làm rõ. Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, ai sai người đó phải chịu. Để tình trạng xẻ thịt rừng phòng hộ như thế làm mất hết tính nghiêm minh của pháp luật", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho hay xây dựng cả biệt phủ, khu nghỉ dưỡng mà chính quyền trả lời không biết thì không đúng.
"Như Thủ tướng từng nói rừng có phải kim đâu mà không thấy. Đây ít nhất là thiếu tinh thần trách nhiệm. Qua thanh kiểm tra mà phát hiện có sự móc nối để dẫn tới sai phạm, chúng ta phải xử lý bằng luật pháp", ông nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XIII, thì đề nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các cấp của Hà Nội vào thời điểm xảy ra sai phạm, xem xét lại kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Tại sạo lại chậm xử lý? Kết luận đúng thì sao không tổ chức thực hiện?. Việc này phải truy đến cùng theo Nghị quyết Trung ương 4 là không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có hạ cánh an toàn", bà Bùi Thị An nói.
Trước tình trạng "xẻ thịt rừng phòng hộ" ở Sóc Sơn, UBND Hà Nội mới đây có công văn số 4893 chỉ đạo thanh tra toàn diện việc sử dụng, quản lý đất rừng và trật tự xây dựng tại khu vực xã Minh Phú và xã Minh Trí.
Liên quan đến vụ việc này, từ 12 năm trước (tháng 4/2006), Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại lâm trường Sóc Sơn và 9 xã (trong đó có hai xã như Minh Phú, Minh Trí).
Những sai phạm cũ chưa được xử lý thì 2 năm trở lại đây lại tiếp tục có tới 28 trường hợp xây dựng vi phạm lấn chiếm đất rừng tại xã Minh Trí bị phát hiện.