Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội có thêm trạm quan trắc chất lượng không khí

Trạm đo lường mới được đặt trong khuôn viên ĐSQ Pháp tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, góp phần cung cấp số liệu về chất lượng không khí, các chỉ số ô nhiễm khu vực nội đô.

Sáng 16/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Bertrand Lortholary, đã tham gia lễ khánh thành trạm quan trắc chất lượng không khí đặt tại khuôn viên ĐSQ Pháp.

Tram quan trac khong khi Ha Noi anh 1
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung (thứ 2 từ trái sang) và các thành viên của ĐSQ Pháp tại lễ khánh thành. Ảnh: Sơn Hà.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary cho biết vấn đề môi trường luôn là một mối quan tâm đối với mọi chính phủ, quốc gia. Với trạm quan trắc không khí mới này, ông cho rằng TP Hà Nội sẽ có thêm một nguồn cung cấp số liệu quan trọng cho mạng lưới giám sát không khí của TP.

Theo đại diện của Công ty ENVEA, đơn vị lắp đặt thiết bị, trạm quan trắc mới này sẽ được kết nối vào mạng lưới chung của thành phố, cung cấp số liệu liên tục cho hoạt động giám sát, đánh giá các chỉ số không khí của Hà Nội.

Thiết bị này sẽ vận hành tự động 24/24. Ngoài các chỉ số về chất lượng không khí, hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, bụi, ozon cũng sẽ được cập nhật liên tục.

Trạm quan trắc không khí này là thành quả của dự án hỗ trợ kỹ thuật AFD/Airparif của Công ty ENVEA (Pháp), doanh nghiệp đã giúp lắp đặt 10 trạm quan trắc trên khắp địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay.

Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị cho ra mắt công cụ Hoan Kiem Air, nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Công cụ này sẽ biểu thị thông tin ô nhiễm bằng cách mô phỏng lên sa bàn 3D và bảng chỉ thị màu theo thời gian thực.

Tram quan trac khong khi Ha Noi anh 2
Công cụ Hoan Kiem Air, đo đạc mức độ ô nhiễm không khí quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Sơn Hà.

Hiện, Hà Nội có 10 trạm quan trắc cố định đang hoạt động đặt tại Trung Yên, Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Hoàn Kiếm, Hàng Đậu, Kim Liên, Thành Công, Tân Mai, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Tây Mỗ.

Theo dữ liệu chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 23 thành phố ở một số quốc gia Đông Nam Á được khảo sát (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia), Hà Nội có chất lượng không khí xấu thứ 2.

Theo đó, chỉ số bụi mịn PM 2.5 của Hà Nội thường xuyên vượt mức an toàn theo quy chuẩn của WHO. Đặc biệt, Báo cáo môi trường quốc gia về ô nhiễm không khí chỉ ra Hà Nội có trung bình 1-2 ngày/năm, chất lượng không khí chạm mức nguy hại.


Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm