Hà Nội chuẩn bị di dân khỏi nhà cổ, biệt thự cũ
Hà Nội vừa ban hành nghị quyết về các biện pháp thực hiện cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.
Qua đó Thành phố khuyến khích huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954.
Đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, Hà Nội lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định.
Nhà đầu tư khi tham gia thực hiện công tác xã hội hoá cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 được giao quỹ đất sạch tại các khu vực không thuộc 4 quận nội thành cũ để cân đối thực hiện dự án.
Đối với người dân trong phạm vi dự án khi di chuyển được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn TP.
UBND TP sẽ tổ chức lập danh mục, phân loại các nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố theo 3 nhóm. Nhóm 1 là những công trình xây dựng trước năm 1954 gắn liền với di tích lịch sử, văn hoá, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật; công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc.
Nhóm 2 là công trình có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc nhóm 1. Tương tự với nhóm 3 là những công trình không thuộc nhóm 1 và 2.
Trên cơ sở phân nhóm, UBND TP trình HĐND quyết định danh mục công trình cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng công trình gắn liền với di tích lịch sử, chính trị, văn hoá đã được xếp hạng cấp quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, xếp hạng cấp Thành phố việc cải tạo, phục hồi phải đảm bảo các quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
Trong quá trình cải tạo, phục hồi, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của công trình (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao); không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của công trình. Đối với công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc, việc cải tạo, phục hồi phải được cơ quan chuyên ngành thuộc UBND TP.
Riêng công trình thuộc nhóm 1 và 2 không được phá dỡ. Trường hợp công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, phải được cơ quan chuyên ngành thuộc UBND TP kiểm tra, báo cáo UBND TP cho phép phá dỡ, chủ sở hữu, quản lý công trình phải có dự án xây dựng, khôi phục lại theo kiến trúc ban đầu.
Đối với công trình thuộc nhóm 3, nếu bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền mới được phá dỡ nhà biệt thự. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.
Thành Nam
Theo Infonet