UBND TP Hà Nội vừa có buổi làm việc với UBND huyện Sóc Sơn và các sở, ngành về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi di dân vùng ảnh hưởng môi trường trong bán kính 500 m từ khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân chặn xe rác, thành phố đã cho phép UBND huyện lập, phê duyệt, bổ sung chính sách hỗ trợ đối với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đồng/m2.
Thống nhất phương án đền bù
Theo đó, liên ngành thành phố gồm: Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và UBND huyện Sóc Sơn thống nhất giá thu tiền sử dụng đất tái định cư theo vị trí 4, đường 35 là 2,7 triệu đồng/m2.
Với các hộ dân thuộc xã Hồng Kỳ không đồng tình với vị trí quy hoạch khu tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn được phép sử dụng quỹ đất này để bổ sung vào quỹ tái định cư cho các hộ phải di chuyển chỗ ở.
Nếu các hộ dân vẫn có nhu cầu tái định cư trên địa bàn xã, UBND huyện Sóc Sơn chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố chấp thuận để bố trí tái định cư cho các hộ.
Trường hợp hộ dân có nhu cầu nhận tiền để tự lo tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn sẽ phê duyệt mức hỗ trợ 1,96 triệu đồng/m2.
Sau 5 ngày người dân Nam Sơn chặn đường không cho xe chở rác vào bãi, rác thải trong nội thành Hà Nội ùn ứ, chất đống tại các điểm trung chuyển và bãi tập kết. Ảnh: Việt Linh. |
Với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 400 m2 trở lên, TP Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn lập kế hoạch thực hiện trả ngay cho các hộ, với phần diện tích đất ở trong hạn mức và chính sách bồi thường, hỗ trợ.
Phần diện tích đất vượt hạn mức, thành phố giao Thanh tra chủ trì cùng UBND huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận đã thực hiện theo đúng quy định. Việc thanh tra, rà soát phải hoàn thành trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu huyện Sóc Sơn đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Từ nay đến cuối năm 2019, huyện này phải hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Trường hợp đã tuyên truyền vận động nhưng các hộ vẫn cố tình vi phạm, Hà Nội yêu cầu UBND huyện có các biện pháp để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Công an TP Hà Nội để thống nhất phương án và lực lượng hỗ trợ bảo vệ, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện.
Người dân chặn đường, rác thải ùn ứ
Trước đó, từ chiều 1/7, nhiều người dân tại xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bắt đầu chặn lối vào khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn. Người dân căng lều bạt ở hai bên đường, ngăn không cho xe chở rác từ nội thành vào.
Đến trưa 5/7, người dân vẫn tập trung rất đông để chặn đường, chờ quyết định từ thành phố. Sự việc kéo dài trong nhiều ngày khiến rác thải trong nội thành Hà Nội ùn ứ. Nhiều điểm tập kết rác thải tại quận Cầu Giấy và Thanh Xuân bị quá tải khiến công nhân vệ sinh mất nhiều thời gian để dọn dẹp.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết từ khi bãi rác Nam Sơn bị chặn lối vào, đơn vị phải cho di chuyển rác trong các quận nội thành về bãi rác Xuân Sơn (Ba Vì) để xử lý.
Tuy nhiên, công suất xử lý của bãi rác này là 1.000 tấn/ngày đêm, trong khi lượng rác của người dân thải ra là khoảng 4.000 tấn/ngày, việc xử lý đang vượt quá công suất. Đơn vị phải huy động tối đa nhân lực để dọn dẹp và xử lý rác tại các điểm trung chuyển và bãi tập kết khác. Hiện, vệ sinh khu vực 4 quận nội thành vẫn được đảm bảo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, cho biết người dân đang rất trông chờ vào quyết định chính thức từ lãnh đạo thành phố. “Chúng tôi kiên quyết chặn xe đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Kỳ cho biết.