Bốn tuyến đường được mở rộng, xén dải phân cách bao gồm mặt đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy) có điểm đầu tại nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến, điểm cuối tại nút giao Mai Dịch.
Tổng chiều dài mặt đường được xử lý khoảng 3,22 km, từ đầu nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến đến nút giao Mai Dịch.
Việc mở rộng một số tuyến đường như Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh đã giảm thiểu được ùn tắc giao thông. Ảnh: Quang Huy |
Mặt đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng với tổng chiều dài mặt đường được xử lý khoảng 1,8 km.
Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nghiêm Xuân Yên - Nguyễn Xiển (huyện thanh Trì, quận Thanh Xuân) với tổng chiều dài hơn 3,16 km, kéo dài từ đầu tuyến Cầu Dậu, điểm cuối tuyến thuộc tới nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi.
Đoạn nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng với tổng chiều dài mặt đường được xử lý khoảng 1,8 km. |
Tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở được xén dải phân cách, mở rộng với tổng chiều dài mặt đường 4 km, điểm đầu tuyến là Cầu Giấy, điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở.
Để thực hiện dự án, Hà Nội dự tính sẽ phải di chuyển 371 cây xanh, chặt hạ 105 cây các loại. Sở GTVT Hà Nội cho biết, tổng mức đầu tư cho cho 4 dự án trên là 125,8 tỷ đồng. Thời gian thi công 4 dự án bắt đầu từ ngày 1/1/2019, và hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Ùn tắc giao thông là vấn đề nan giải của thủ đô mỗi dịp tết về. Ảnh: Tiến Tuấn |
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc sở GTVT Hà Nội, cho biết do việc xén hè, mở rộng một số tuyến đường trước đây đã cho kết quả khả quan về giảm thiểu ùn tắc giao thông nên UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện việc mở rộng mặt đường trên vành đai 2 và vành đai 3.
Ông Tuấn cho biết quá trình thi công chủ yếu thực hiện vào ban đêm, mặt đường hiện tại sẽ không bị thu hẹp bởi vậy việc thi công các dự án không làm ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện.