Theo UBND Hà Nội, đây là những dự án trọng điểm khép kín các đường vành đai 2,5, 3,5 và 4.
Cụ thể, dự án khép kín đường vành đai 2,5 từ đoạn cuối phố Trung Kính - Trần Duy Hưng với chiều dài 0,5 km tổng vốn khoảng hơn 1.100 tỷ đồng (tương đường hơn 2 tỷ đồng/m); đoạn phố Ngụy Như Kon Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng có chiều dài 2,53 km tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đồng/m); đoạn từ Khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ dài 0,7 km vốn 928 tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ đồng/m).
Đoạn đường vành đai 2,5 dài 0,5 km từ Trung Kính đến Hoàng Đạo Thúy có tổng vốn hơn 1.100 tỷ đồng. Ảnh: Google Maps. |
Theo UBND Hà Nội, các dự án trên nếu được đầu tư sẽ hoàn thiện, khép kín đường vành đai 2,5, góp phần giảm ùn tắc cục bộ, kết nối các tuyến đường hướng tâm, phân bổ lưu lượng và giảm tải áp lực giao thông cho vành đai 2 và vành đai 3.
Đối với đường vành đai 3,5, Hà Nội đề xuất xây dựng cầu Thượng Cát, dự kiến hoàn thành vào năm 2021; xây dựng đoạn cầu Thượng Cát - quốc lộ 5 kéo dài, dự kiến hoàn thành vào năm 2020; xây dựng đoạn cầu Thượng Cát - quốc lộ 32 dự kiến hoàn thành vào năm 2020...
Tại đường vành đai 4, đáng chú ý là việc đầu tư xây dựng dự án cầu Mễ Sở và đường dẫn 2 đầu cầu dài 4 km, tổng vốn đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2020.
Khi đường vành đai 2,5 được khép kín sẽ giảm tải áp lực cho đường vành đai 3. Ảnh: Hoàng Anh. |
Theo UBND Hà Nội, nguồn vốn đầu tư cho các công trình này đang là thách thức đối với ngân sách. Do đó thành phố đề xuất Thủ tướng xem xét, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa.
Để hút vốn cho các dự án giao thông trên, Hà Nội đã dự kiến quỹ đất thanh toán đối ứng tại một số khu vực đã có chủ trương thực hiện đấu giá trên địa bàn quận Cầu Giấy, 32 ha thuộc Khu đô thị Hồ Tây - Hà Nội, huyện Đông Anh, Gia Lâm hay các địa bàn lân cận nơi có dự án đi qua...
Hiện, nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực và quan tâm, Hà Nội đề xuất cho phép triển khai thực hiện các dự án nêu trên theo hình thức PPP, BT hoặc BOT.