Đây là nội dung chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng trong công văn hỏa tốc gửi các đơn vị trực thuộc để bổ sung việc tạm dừng một số loại hình kinh doanh không thiết yếu.
Bên cạnh yêu cầu tạm dừng mở cửa các quán bia, bia hơi, lãnh đạo thành phố cũng giao các quận, huyện, thị xã giải tỏa ngay các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, tại phiên làm việc của Thường trực Thành ủy với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch TP Chu Ngọc Anh đã đề cập đến nội dung này và yêu cầu đưa kinh doanh bia hơi vào danh sách các hoạt động phải tạm dừng để phòng dịch.
Hà Nội lo ngại các quán bia có thể tăng nguy cơ lây lan Covid-19. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Như vậy sau một loạt các văn bản chỉ đạo, gần như toàn bộ các loại hình dịch vụ, kinh doanh không thiết yếu đã được yêu cầu đóng cửa.
Trước đó, Hà Nội cũng yêu cầu dừng lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game, Internet; các rạp, trung tâm chiếu phim; cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng gym; hoạt động tập thể dục, thể thao tại vườn hoa, công viên.
Thành phố vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tối thiểu một mét khi tiếp xúc.
Tính đến 6h ngày 11/5, Việt Nam có tổng cộng 2.056 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.433 ca nhập cảnh. Từ ngày 27/4 đến nay, số ca mắc mới là 486 trường hợp. Trong đó, số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện K cơ sở 3 là 74 người.
Hiện tại, 26 tỉnh, thành phố ghi nhận người nhiễm nCoV. Hà Nội là địa phương có số lượng bệnh nhân cao nhất cả nước với nhiều ổ dịch lớn, đa nguồn lây.