Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hả, nói cái gì vậy?' - Singapore trước khủng hoảng 'điếc ở tuổi 40'

Lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất thính lực, tức điếc, nhưng người Singapore đang đối mặt hàng loạt tiếng ồn làm đẩy nhanh quá trình đó.

Tiếng chuông đồng hồ báo thức mỗi sáng, tiếng còi xe đinh tai nhức óc trên đường đi làm hay âm thanh chói tai từ tiếng bát đĩa lẻng xẻng trong mỗi quán ăn, khi về đến nhà, khu nhà bạn nằm gần đường ray tàu, công trình xây dựng hoặc ở mặt phố, tiếng ồn lại tiếp tục tra tấn đôi tai bạn.

Straits Times miêu tả đó là những âm thanh thường nhật mà một người sống ở Singapore ồn ào phải đối mặt. Theo trang web Dangerous Decibels, việc tiếp xúc kéo dài với tiếng ồn trên 85 decibel khiến thính giác gặp nguy hiểm.

Hãy xem xét một vài âm thanh quen thuộc như: tiếng mưa rơi - 50 decibel, một câu nói - 60 decibel, tiếng máy giặt - 75 decibel, chuông đồng hồ báo thức - 80 decibel, tiếng xe cộ tấp nập - 85 decibel, tiếng máy sấy tóc - 90 decibel, tiếng còi xe - 110 decibel, tiếng máy khoan - 120 decibel, còi xe cứu thương - 120 decibel, còi xe cứu hỏa - 140 decibel.

Tất cả kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng thính lực của người Singapore.

Singapore ồn ào?

Theo một nghiên cứu năm 2017 của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), mức âm thanh trung bình ngoài trời là 69,4 decibel trong cả ngày, tương tự như việc nghe tiếng máy hút bụi ồn ào suốt một ngày.

Con số này đã vượt qua giới hạn khuyến nghị của Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore là 67 decibel trong vòng một giờ, và gần chạm mức khuyến nghị 70 decibel một ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

nguoi Singapore bi mat thinh giac o tuoi 40 anh 1
Người trẻ Singapore có thể mất thính giác ở tuổi 40. Ảnh: Unsplash.

Trên thực tế, tại các khu vực ồn ào nhất của Singapore như Serangoon, Orchard, Outram và Bukit Timah, mức âm thanh trung bình đều vượt quá 70 decibel. Serangoon đứng đầu danh sách với 73,1 decibel, theo nghiên cứu của NUS thực hiện đo lường với 18.768 âm thanh trong hai tháng rưỡi.

Các khu vực khác của Singapore may mắn hơn khi tiếng ồn không ở mức nguy hiểm.

"Môi trường ồn ào ở hộp đêm, công trường xây dựng hay nhà máy nơi có máy móc hoạt động ồn ào là những ví dụ cho tiếng ồn môi trường", Kelvin Lee, người sáng lập quỹ The Listening Lab, cho biết.

Theo ông Lee, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mất thính giác là tuổi tác.

Tai trong, còn được gọi là ốc tai, là một cấu trúc xương hình xoắn ốc chứa đầy dịch nằm trong hộp sọ phía sau tai. Những cấu trúc này chứa các tế bào lông nghe có chức năng cung cấp thông tin âm thanh cho não. Các vùng khác nhau của tế bào lông, khi được kích hoạt bởi áp suất chất dịch, sẽ cung cấp một tần số âm thanh cụ thể đến não.

Tuy nhiên, theo thời gian, một số tế bào lông bị thiếu hoặc hỏng dẫn đến khả năng nghe các âm thanh bị suy giảm.

"Điều này thường không tránh khỏi và chỉ có thể được điều trị với các thiết bị khuếch đại âm thanh như máy trợ thính", ông Lee nói.

Điều gì khiến chúng ta nghe kém khi còn trẻ?

Chỉ riêng các âm thanh ngoài đường phố có thể không khiến một người mất thính giác. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy việc nghe nhạc trên điện thoại hoặc các thiết bị nghe nhạc khác với âm lượng cao trong thời gian dài có thể khiến tai bị hỏng vĩnh viễn.

Theo ông Lee, người Singapore có thể mất thính giác khi còn trẻ, ở tuổi 40, bởi các yếu tố như vậy.

"Một số thiết bị nghe nhạc có thể tạo ra âm thanh lên tới 120 decibel, tương đương với âm thanh của một chiếc máy bay thương mại cất cánh", ông nói. "Tiếp xúc với âm thanh ở mức độ đó trong 30 phút thậm chí có thể gây tổn hại thính giác vĩnh viễn cho người nghe".

nguoi Singapore bi mat thinh giac o tuoi 40 anh 2
Nhiều âm thanh thông thường có thể khiến tai bị tổn thương. Ảnh: Straits Times.

Việc tiếp xúc với âm thanh vô tội vạ sẽ khiến tai bị tổn thương, chẳng hạn như nghe âm lượng lớn hơn 7 tiếng trong một tuần. "Sử dụng quá mức các thiết bị âm thanh có thể tích tụ và làm mất thính giác vĩnh viễn sớm hơn", ông Lee cho biết.

"Nghe nhạc rock trong những năm tháng thiếu niên có thể khiến người nghe phải trả giá".

Trong bất cứ trường hợp nào: nghe một ứng dụng radio, danh sách nhạc trên ứng dụng, xem bộ phim truyền hình Hàn Quốc yêu thích nay chơi điện tử trên điện thoại, "nguyên tắc tối thượng" dành cho âm thanh là 60/60.

Điều này có nghĩa là chỉnh âm lượng ở mức 60% và không nghe quá 60 phút nếu không cho tai nghỉ 1 giờ. "Nếu bạn chỉnh âm lượng ở mức 80% thì hãy rút ngắn thời gian nghe dưới 60 phút", ông Lee nói.

"Hả, bạn vừa nói gì?"

Nếu phải hỏi lại "Hử, cái gì cơ?", thì đó là dấu hiệu của việc đôi tai đang lên tiếng và nhất định phải chú ý.

"Đôi khi, dấu hiệu tuổi tác như mất thính giác bắt gặp ở người trẻ trong độ tuổi 30. Thông thường, bắt đầu bằng việc mất khả năng nghe những âm thanh cao độ", bác sĩ Shih E 'Ching, chuyên gia tư vấn tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Khoa Tai mũi họng - Phẫu thuật Đầu và Cổ (ENT), cho biết.

"Có các cấp độ mất thính giác khác nhau như: nhẹ, trung bình, nặng hoặc trầm trọng. Và có thể xảy ra ở một hoặc hai tai", bác sĩ nói thêm.

nguoi Singapore bi mat thinh giac o tuoi 40 anh 3
Việc hỏi lại là dấu hiệu của việc tai bị bệnh. Ảnh: Mediacorp.

Bà Shih cũng giải thích rằng mất thính giác được coi là đáng kể nếu không thể nghe thấy âm thanh nhẹ hơn 40 decibel, tương đương với tiếng chim hót và âm thanh trong thư viện yên tĩnh.

Đôi khi, tác động vật lý là nguyên nhân mất thính giác. Ví dụ, một lượng ráy tai tích tụ bất thường trong ống tai có thể tạo ra cảm giác bị bít và giảm thính lực.

"Các nguyên nhân ít phổ biến gây mất thính giác khác bao gồm nhiễm virus. Nó cũng có thể được gây ra bởi một số loại thuốc làm tổn hại thính giác, được gọi là thuốc độc tai", bác sĩ Shih nói.

Tổn hại vĩnh viễn

Không có cách nào để đảo ngược chứng mất thính giác do tuổi tác và tiếng ồn.

Bác sĩ Shih cho biết: "Trong khi một số người tin vào việc bổ sung bằng cây rẻ quạt hoặc vitamin để tăng cường chức năng nghe, các nghiên cứu chưa chứng minh được lợi ích nào trong số này".

Biện pháp tốt nhất là nên tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn.

nguoi Singapore bi mat thinh giac o tuoi 40 anh 4
Nếu đang ở trong hộp đêm, hãy đứng cách loa ít nhất 3 m. Ảnh: Unsplash.

Straits Times khuyến cáo nếu bạn đang ở trong hộp đêm, hãy đứng cách loa ít nhất 3 m. Nếu đi đến buổi diễn ca nhạc, hãy để đôi tai bạn nghỉ ngơi ít nhất 16 tiếng sau đó.

Nếu bạn gặp khó khăn khi phải tiếng xúc với tiếng ồn hàng ngày, đặc biệt trong môi trường ồn ào, hãy kiểm tra thính giác của bạn.

Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng ít hẹn hò vì 'quá đắt đỏ và nguy hiểm'

Đối với rất nhiều người trẻ Hàn Quốc, việc hẹn hò đang trở thành gánh nặng khi chi phí ngày càng đắt đỏ cũng như họ phải đối mặt với nguy cơ bạo lực và bị quay lén.

Thanh niên Việt Nam ở Nhật Bản đâm đồng hương bị thương nặng

Ton That Duong, 25 tuổi, bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ với cáo buộc đâm một người đồng hương bị thương nặng do nảy sinh mâu thuẫn hôm 29/6.


Hà Lan

Bạn có thể quan tâm