Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội bổ sung 650 tỷ giúp dân nghèo vượt qua đại dịch Covid-19

650 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố được ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay, khắc phục thiệt hại từ dịch Covid-19.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của UBND về việc bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội, để cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay, phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hai do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Đề xuất này được UBND thành phố đưa ra ngày 30/3.

Theo đó, Hà Nội sẽ bổ sung nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố năm 2020 (đợt 1) là 650 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Số tiền này nhằm giúp những người bị ảnh hưởng phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Ho tro nguoi ngheo anh 1

Hà Nội bổ sung 650 tỷ, ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay, khắc phục thiệt hại từ dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cụ thể, về đối tượng, trước hết ưu tiên cho hộ được giãn nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Sau khi được cấp vốn, UBND thành phố đề nghị Chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội thành phố chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác tập trung giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng để hỗ trợ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên.

Thứ hai là tới hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn.

Thứ ba là các đối tượng chính sách khác. Cuối cùng là cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút lao động.

Về ngành nghề cho vay, sẽ ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với dịch bệnh Covid-19, các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế cho nhân dân và các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên địa bàn.

Thành phố yêu cầu việc hỗ trợ phải đúng đối tượng thụ hưởng, không để tổ chức cá, nhân lợi dụng chính sách.

Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp cần nắm bắt diễn biến của dịch bệnh Covid-19, chủ động rà soát những trường hợp khách hàng vay vốn bị thiệt hại. Đối với những trường hợp đủ điều kiện xử lý rủi ro cần hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Sau đợt giao vốn uỷ thác này, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục bố trí vốn đợt tiếp theo từ nguồn kết dư ngân sách thành phố năm 2019.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng chính sách Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và đặc biệt là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất của người nghèo và các hộ chính sách trên địa bàn.

Qua rà soát bước đầu, dịch bệnh ảnh hưởng tới nhu cầu vay vốn bổ sung để khôi phục sản xuất kinh doanh trong năm 2020 là khoảng 1.000 tỷ đồng cho 25.000 khách hàng (đủ điều kiện vay vốn) và nhu cầu bổ sung vốn để bù đắp số vốn chưa thu hồi được so với kế hoạch thu hồi trong năm 2020 là 412 tỷ đồng.

Nhóm ngành nghề vay vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành chăn nuôi, buôn bán nhỏ và kinh doanh dịch vụ, y tế, vận tải. Nhóm này đang có tổng dư nợ là 2.384 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28% tổng dư nợ cho vay.

20 triệu người sẽ nhận 61.500 tỷ đồng hỗ trợ như thế nào?

Chính quyền cơ sở, doanh nghiệp lập danh sách người cần được hỗ trợ, rồi cơ quan chức năng rà soát và người đứng đầu địa phương xác nhận trước khi người dân nhận tiền.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm